Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi thuộc WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nêu rõ: "Nhiều bệnh viện và phòng khám ở châu Phi vẫn còn chưa sẵn sàng đối phó với số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch gia tăng. Mối đe dọa về làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ở châu Phi là hiện hữu và đang gia tăng".
Theo WHO, "Lục địa Đen" ghi nhận hơn 4,8 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 2,9% ca nhiễm trên toàn cầu) và 130.000 ca tử vong (chiếm 3,7% ca tử vong trên toàn cầu).
Một cuộc khảo sát do WHO tiến hành hồi tháng 5 cho thấy nhiều nước châu Phi hầu như không có đủ các cơ sở y tế và nhân viên y tế chủ chốt cần để điều trị các bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Trong số 23 quốc gia châu Phi mà WHO tiến hành khảo sát, phần lớn các nước này có chưa tới 1 giường chăm sóc tích cực (trong khi ở Đức và Mỹ có hơn 25 giường)/100.000 dân và chỉ có 1/3 trong số các nước này có máy trợ thở.
Trong những tuần gần đây, châu Phi đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng. Nam Phi, nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh tại châu lục này, đã siết chặt các biện pháp hạn chế trong bối cảnh nước này ghi nhận tổng cộng hơn 1,6 triệu ca nhiễm và 56.439 ca tử vong. Còn ở Uganda, số ca nhiễm đã tăng 131% trong một tuần với các ổ bệnh bùng phát trong trường học và số nhân viên y tế nhiễm bệnh gia tăng. Tại CHDC Congo, số ca nhiễm gia tăng hồi cuối tháng trước ở thủ đô Kinshasa. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Angola và Namibia.
WHO cho biết châu Phi đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 và hoạt động phân phối vaccine ở khu vực này hầu như đình trệ. WHO hy vọng các đợt giao vaccine mới sẽ diễn ra trong những tháng tới thông qua cơ chế COVAX, trong đó có 80 triệu liều vaccien mà Mỹ đã cam kết cung cấp cho cơ chế này.
Cho đến nay, chỉ 2% dân số châu Phi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 trong khi 24% dân số thế giới hiện đã được tiêm chủng. Trên thế giới có 6 nước không tiến hành chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19, thì có 4 nước ở châu Phi là Tanzania, Burundi, CH Chad và Eritrea.