Quảng trường Độc lập ở Kiev, Ukraine. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm thúc đẩy các nỗ lực đàm phán chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng giao nhiệm vụ cho các quan chức chuẩn bị khởi động các cuộc đàm phán, đồng thời để ngỏ khả năng gặp thượng đỉnh với ông Putin tại Saudi Arabia.
Giới chức Mỹ ngày 15/2 cho biết Ngoại trưởng nước này Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff dự kiến sẽ đến Saudi Arabia để đàm phán với các đại diện của Nga và Ukraine. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về những cuộc gặp này chưa được công bố.
Ngoại trưởng Mỹ Rubio hiện có chuyến công du Trung Đông, trong đó điểm dừng chân đầu tiên là Israel vào ngày 15/2. Trong thông báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Tammy Bruce cho biết ông Rubio đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và tái khẳng định cam kết của Tổng thống Trump trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho xung đột ở Ukraine.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Còn tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 14 - 16/2 tại Munich (München), thủ phủ của bang Bavaria (Bayern), miền Nam nước Đức, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte nhấn mạnh châu Âu cần đưa ra những đề xuất phù hợp để đạt được hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, nếu các nước châu lục này muốn tham gia vào tiến trình hòa bình do Mỹ dẫn dắt.
Trả lời báo giới, ông Rutte giải thích: "Nếu châu Âu muốn có tiếng nói, chúng ta cần thể hiện vai trò của mình một cách rõ ràng".
Dự kiến, vào ngày 17/2, ông Rutte sẽ tới Paris để tham dự cuộc họp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, nhằm thảo luận về lập trường chung của châu Âu đối với vấn đề Ukraine. Văn phòng Tổng thống Pháp xác nhận các cuộc thảo luận đang diễn ra về khả năng tổ chức cuộc họp không chính thức giữa các nhà lãnh đạo châu Âu.
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu tăng cường vai trò trong NATO và phối hợp với Mỹ để đảm bảo tương lai cho Ukraine.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 14/2 đã khẳng định tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cần tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình, trong đó châu Âu có vai trò vô cùng quan trọng. Ông Vương Nghị cũng có cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Ukraine Andrii Sybiha bên lề hội nghị này, trong đó tái khẳng định cam kết của Trung Quốc thúc đẩy hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi châu Âu tăng cường năng lực phòng thủ của chính mình, nhấn mạnh rằng lục địa này không thể chỉ trông cậy vào Washington. Ông đề xuất thành lập một lực lượng quân sự chung của châu Âu để đảm bảo an ninh khu vực.
Phát biểu tại hội nghị nói trên, Tổng thống Zelensky khẳng định Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra mà không có sự tham gia của nước này. Ông nhấn mạnh: "Không có quyết định nào về Ukraine mà không có Ukraine. Không có quyết định nào về châu Âu mà không có châu Âu".
Trong khi đó, cũng tại hội nghị nói trên, đặc phái viên của Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg, cho biết mặc dù châu Âu không tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán sắp tới, nhưng vẫn có thể đóng góp ý kiến.
Truyền thông phương Tây dẫn 4 nguồn tin châu Âu cho biết Mỹ đã gửi một tài liệu bao gồm danh mục câu hỏi để tham vấn với các quốc gia châu Âu về khả năng đóng góp nhằm đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb ngày 15/2 xác nhận: "Mỹ đã gửi danh mục câu hỏi cho châu Âu về những việc có thể thực hiện được. Điều này sẽ buộc châu Âu phải cân nhắc và quyết định xem liệu có phản hồi hay không, cũng như liệu họ có đưa câu trả lời chung hay không".
Một nhà ngoại giao châu Âu thạo tin về tài liệu này nêu rõ: "Mục tiêu là đánh giá quan điểm của các đồng minh châu Âu về một khuôn khổ đàm phán tiềm năng nhằm chấm dứt xung đột, đồng thời xác định mức độ tham gia của cả châu Âu và Mỹ trong tiến trình này".