Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thực không thể chối cãi: Dòng người di cư tìm cách chạy thoát khỏi chiến sự để đến được nơi an toàn hơn. Nếu Nga mở cuộc can thiệp quân sự ở Ukraine, Ukraine sẽ có sự dịch chuyển nhân khẩu học quan trọng.
Trong các cuộc gặp gần đây với các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, giới chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo sẽ có khoảng từ 1-2 triệu người Ukraine rời khỏi đất nước nếu nổ ra chiến tranh. Đó sẽ là nhân tố gây bất ổn cho châu Âu.
Dòng người tìm nơi lánh nạn này sẽ chạy qua ngả Ba Lan. Hiện có hơn 1 triệu người Ukraine sinh sống ở Ba Lan, số đã di cư trước đó vì mục đích tìm kiếm công ăn việc làm. Ba Lan tuyên bố sẽ hỗ trợ, sát cánh cùng người dân Ukraine, bảo đảm nơi ăn ở. Nhưng một đợt tập kết của hơn 1 triệu người di cư hoảng sợ không mang theo nhiều tài sản, nguồn lực sẽ là một câu chuyện khác.
Cơ quan chức năng Ba Lan cho biết đã chuẩn bị sẵn chỗ ở cho khoảng 2.000 người tại 10 trung tâm khác nhau đặt tại nước này. Lực lượng Biên phòng Ba Lan cũng bổ sung thêm năng lực tiếp nhận 4.000 người. Nhưng chừng đó là chưa đủ, bởi đúng như Thứ trưởng Bộ Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik thừa nhận, trong kịch bản tệ nhất, Ba Lan có thể phải tiếp nhận trên 1 triệu người di cư từ Ukraine.
Cần phải học lại những lỗi lầm từng xuất hiện trong khủng hoảng di cư tấn công châu Âu hồi năm 2014, đến từ dòng người chạy nạn khỏi chiến sự ở Syria và vẫn còn tiếp diễn dai dẳng cho đến nay. Cuộc nội chiến Syria đã khiến 5-6 triệu người dân nước này phải ly hương, trong đó có hơn 2 triệu trẻ em. Dòng người tị nạn gây sức ép lớn lên các nước láng giềng như Liban, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Ai Cập.
Dòng người di cư đã tạo ra những tuyến đường trung chuyển nguy hiểm, chạy qua Hy Lạp, vùng Balkan sang Croatia và EU. Nhiều gia đình bất chấp nguy hiểm đã dồn lên những chiếc xuồng cao su thiếu an toàn, có thể bị lật bất cứ lúc nào trên biển. Họ làm vậy là bởi trong tỉnh cảnh tuyệt vọng, nhu cầu được thoát khỏi hiểm nguy lớn hơn bất kỳ điều gì..
Có lý do để nghi ngờ việc Ba Lan đủ có đủ năng lực tiếp nhận hơn một triệu người di cư từ Ukraine. Kể từ sau năm 1990, Ba Lan đã mở cửa, phát triển kinh tế thành công, đưa GDP tăng gấp bảy lần. Nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã chỉ ra những thách thức mà quốc gia Đông Âu này đang phải đối mặt: Tình trạng già hóa dân số, tiềm lực công nghệ còn có hạn chế, vấn nạn khan hiếm nguồn nước, thường xuyên chịu tác động bởi các đợt hạn hạn nghiêm trọng.
Sau Ba Lan, câu hỏi đặt ra là: Liệu phần còn lại của châu Âu có sẵn sàng tiếp nhận thêm dòng người di cư mới? Với việc nữ Thủ tướng Angela Merkel rời nhiệm sở, hiện chưa biết nước nào sẽ là người đi đầu trong việc tiếp nhận người di cư dựa trên khuôn khổ đạo đức. Bà Merkel từng cho phép 800.000 người tỵ nạn được định cư tại Đức, bảo lưu quan điểm những người này cần có nơi sinh sống, che chở. Nhưng chính quyền mới tại Berlin có thể sẽ không làm vậy.
Vậy người di cư Ukraine có thể đi về đâu? Pháp và Anh là hai nước tiếp nhận rất ít người di cư trong khủng hoảng Syria. Ngay cả những nước vùng Scandinavia vốn cởi mở với người tỵ nạn giờ đây cũng không mặn mà tiếp nhận dòng người nhập cư như trước. Gánh nặng dường như đang được đặt lên vai Tổng thống Emmanuel Macron, người trong tuần trước có cuộc thảo luận với đồng cấp người Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin nhằm tìm ra lối thoát cho khủng hoảng Ukraine.
Vài tuần tới đây sẽ là quãng thời gian quan trọng và khẩn thiết – không chỉ với Nga, Mỹ và liên minh châu Âu. Nó khẩn thiết với hàng triệu người Ukraine, những người đang chuẩn bị sẵn giấy tờ tùy thân, ba lô chứa đồ dùng cá nhân và sẵn sàng rời bỏ nhà cửa để bước vào hành trình di cư kéo dài và gian khó.