Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố ngày 15/2 là "ngày tuyên truyền của phương Tây thất bại”, phương tây “bị tiêu diệt mà không cần một phát súng nào”.
Theo đài RT, với việc Nga thông báo rằng quân đội nước này sẽ rút lui sau khi hoàn thành các cuộc tập trận gần biên giới với Ukraine, Moskva khẳng định rằng những dự đoán của phương Tây về một cuộc xâm lược toàn diện từ Nga đã được chứng minh là sai.
Trong một tuyên bố mạnh mẽ ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã tỏ ra khinh bỉ trước những báo cáo và tuyên bố trong nhiều tuần qua từ các quan chức Mỹ và châu Âu rằng các lực lượng vũ trang của Moskva có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào nước láng giềng chỉ trong vòng vài giờ nữa.
“Ngày 15 tháng 2 năm 2022 sẽ đi vào lịch sử khi chiến tranh tuyên truyền của phương Tây thất bại”, bà Zakharova viết trong tuyên bố. Theo bà, phương Tây đã “bẽ mặt và bị tiêu diệt mà không bắn một phát súng nào”.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo rằng một số lực lượng quân đội đã kết thúc chương trình huấn luyện ở Belarus, gần với biên giới Ukraine và bắt đầu quá trình rút quân.
Xem hình ảnh hàng loạt xe tăng Nga được đưa lên tàu để rút về nước (nguồn: Dailymail)
Bình luận của Zakharova được đưa ra sau khi hãng tin Bloomberg của Mỹ đưa tin hôm 13/2, trích dẫn các quan chức giấu tên, cho rằng một cuộc tấn công của Nga chống lại Ukraine có thể diễn ra sớm nhất là vào thứ Ba, 15/2. Bloomberg nói rằng một cuộc tấn công tiềm tàng có thể bao gồm một cuộc khiêu khích ở khu vực Donbas hoặc chống lại Kiev.
Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Jake Sullivan, cũng phát biểu với CNN vào cuối tuần qua rằng "các nguồn" và "thu thập thông tin tình báo" gợi ý "hành động quân sự lớn" có thể "bắt đầu bất kỳ ngày nào". Ông Sullivan cho rằng cảnh báo thời điểm bao gồm cả tuần trước khi kết thúc các trận tranh tài ở Olympic Mùa Đông Bắc Kinh.
Căng thẳng trên biên giới chung Nga – Ukraine đã leo thang trong những tháng gần đây, khi các quan chức phương Tây đưa ra cảnh báo rằng quân đội của Moskva có thể sớm tiến hành một cuộc xâm lược. Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định rằng họ không có ý định gây hấn và cáo buộc các cơ quan truyền thông phương Tây đã gây ra “sự cuồng loạn”, cố tình đưa ra những thông tin sai lệch để làm rối loạn tình hình.
Trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xâm lược tiềm tàng, Moskva đã tìm kiếm các đảm bảo an ninh có thể nhằm hạn chế sự mở rộng của NATO đến gần biên giới của mình và ngăn chặn Ukraine gia nhập hàng ngũ NATO. Tuy nhiên, Tổng thư ký Jens Stoltenberg của NATO đã tuyên bố rằng Nga "không có quyền phủ quyết" đối với tham vọng của Kiev trong việc đảm bảo tư cách thành viên của khối.
Hôm 14/2, nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, nói rằng ông thất vọng trước phản ứng từ NATO và Mỹ, nhưng vẫn có hy vọng đạt được một giải pháp ngoại giao. Phát biểu ngay sau bà Zakharova, ông Lavrov tuyên bố rằng các báo cáo của phương Tây về một cuộc xâm lược sắp xảy ra là “khủng bố thông tin”.
Ngày 15/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở thủ đô Moskva, khẳng định ông sẵn sàng tiếp tục làm việc với phương Tây liên quan đến vấn đề an ninh nhằm giảm căng thẳng với Ukraine.
Tổng thống Putin nêu rõ Nga sẵn sàng hợp tác hơn nữa và tiếp tục đối thoại với phương Tây về vấn đề an ninh châu Âu và tên lửa. Tuy nhiên, ông Putin cũng thẳng thắn chỉ ra rằng châu Âu chưa có sự hồi âm mang tính xây dựng liên quan đến những đề xuất của Moskva. Ông khẳng định Nga không muốn một cuộc chiến tranh tại châu Âu.
Liên quan đến vấn đề Ukraine, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ quan ngại về tình hình tại Donbas, nhấn mạnh các bên cần phải giải quyết tình trạng leo thang căng thẳng tại đây và mọi giải pháp cần dựa trên thỏa thuận hòa bình Minsk ký năm 2015.