Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, dù liên tục tổ chức các hội nghị khẩn cấp, nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn loay hoay trong mớ hỗn độn giữa tinh thần đoàn kết và sự bất đồng nội bộ.
Hội nghị khẩn cấp
Chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng tại Paris với các cường quốc hàng đầu châu Âu, ông đã triệu tập một cuộc họp trực tuyến mới về Ukraine ngày 19/2, nhằm phối hợp phản ứng của châu Âu sau một sự thay đổi chính sách gây sốc ở Mỹ.
Tuy nhiên, cuộc họp này lại đưa ra nhiều điểm chung chung về tình đoàn kết với Ukraine và nhu cầu hòa bình, mà ít hoặc không có điểm cụ thể. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi về khả năng phản ứng của châu Âu trong tình hình hiện tại.
Tình đoàn kết mỏng manh
"Pháp và các đối tác có lập trường rõ ràng và thống nhất. Chúng tôi mong muốn có một nền hòa bình lâu dài và vững chắc ở Ukraine", Tổng thống Macron viết trên X vào sáng 20/2. Ông Macron nói thêm rằng châu Âu cam kết đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng của mình và "quyết định sẽ được đưa ra trong những ngày và tuần tới".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đạt được mục tiêu này khi châu Âu đang đối mặt với sự bất đồng trong việc đưa ra quyết định cụ thể. Trong nhiều ngày qua, Washington đã nói rõ rằng họ không còn coi châu Âu là ưu tiên nữa – và phát tín hiệu rằng châu Âu thậm chí không còn là đồng minh nữa.
Trước bối cảnh đó, các quan chức của chính quyền Trump đã theo đuổi các cuộc thảo luận với Nga tại Saudi Arabia về một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev hoặc phái đoàn châu Âu.
Trong khi đó, châu Âu vẫn loay hoay, không chắc chắn và dường như không có khả năng phản ứng gì ngoài sự sốc và thất vọng.
Theo những người hiểu rõ vấn đề này, EU thậm chí còn không thể thống nhất được về việc có nên cử phái viên của mình tới các cuộc đàm phán ở Saudi Arabia hay không. Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã nêu ý tưởng này vào cuối tuần trước tại Hội nghị An ninh Munich.
Theo ba nhà ngoại giao EU am hiểu về các cuộc đàm phán, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonió Costa đã thăm dò tình hình trong cuộc hội đàm hôm 17/2 của các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris. Tuy nhiên, đề xuất của ông Costa "đã bị bác bỏ ngay lập tức vì Pháp và Đức không thấy có vấn đề gì trong đó".
Đặc phái viên của Tổng thống Trump về Ukraine, ông Keith Kellogg, tuần này cho biết mặc dù đại diện châu Âu vắng mặt tại bàn đàm phán, nhưng quan điểm của họ sẽ được xem xét.
Các quan chức Ukraine tiết lộ rằng Kiev đã hối thúc châu Âu bổ nhiệm một đặc phái viên với hy vọng điều này sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho lập trường đàm phán của họ. Ihor Zhovkva, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Zelensky, phát biểu với Euractiv tại Brussels tuần này rằng châu Âu "nên sớm nhất có thể đề xuất một đại diện từ châu Âu, một tiếng nói duy nhất, để tham gia bàn đàm phán".
Euractiv đã liên lạc với một loạt các nhà ngoại giao EU để xem liệu có nhu cầu chỉ định một phái viên như vậy hay không. Một nhà ngoại giao EU cho biết: "Tôi thấy không cần thiết phải trùng lặp chức năng". Thay vào đó, phần lớn các quốc gia thành viên EU ủng hộ việc củng cố vị thế của Ukraine trước tiên.