Nếu như có một người nào đó được “hưởng lợi” từ các vụ thảm sát, tấn công khủng bố trong tuần qua tại Pháp thì đó chính là Tổng thống Francois Hollande. Tổng thống Pháp đứng trước linh cữu nữ cảnh sát Clarissa Jean-Philippe, người thiệt mạng trong vụ tấn công của bọn khủng bố. Ảnh: AFP |
Chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi chưa đến 1 tuần, người đàn ông 60
tuổi này đã từ vị thế của một tổng thống ít được yêu thích nhất tại Pháp
vươn lên thành một nhà lãnh đạo thực thụ - người trực tiếp chỉ đạo
chiến dịch truy lùng, tiêu diệt quân khủng bố, người đã lấy được sự đồng
cảm của quốc tế, cũng như sự đoàn kết của hàng triệu công dân Pháp
trong việc lên án quân khủng bố.
Hai cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy một điểm chung: Tỉ lệ
tín nhiệm đối với Tổng thống Hollande đã tăng thêm 5 điểm và được dự
báo là sẽ còn tăng mạnh trong một vài tuần tới đây. Bruno Jeanbart, nhà
tổ chức tại công ty chuyên khảo sát dư luận OpinionWay bình luận: Đương
nhiên, cử tri Pháp thường “tuần hành” sau nhà lãnh đạo trong thời khắc
khủng hoảng và vì thế ông Hollande cần hành động nhanh chóng nhằm duy
trì lợi thế cho mình, vốn bị lung lay bởi tình cảnh kinh tế đình trệ,
chia rẽ xã hội trong thời gian gần đây.
“Đây chưa phải là thời điểm bước ngoặt, vì còn quá sớm để nói điều này. Nhưng có thể từ đó mà chuyển hóa lên. Đây quả là cơ hội không thể tin được đối với Tổng thống Hollande để ông thay đổi mạnh mẽ hình ảnh của mình. Ông ấy cần nắm lấy thời khắc này. Nếu bỏ lỡ, ông Hollande sẽ có quãng thời gian đầy khó khăn”, ông Jeanbart chia sẻ.
Khi mà chỉ còn khoảng 2 năm nữa là đến kì bầu cử Tổng thống, tỉ lệ ủng hộ của cử tri Pháp dành cho ông Hollande hiện ở mức 25% (dự kiến lên 30% vào tháng sau), tăng so với 21% một tháng trước đây và 18% của tại thời điểm tháng 9/2014 - đó là theo kết quả của OpinionWay. Một cuộc thăm dò khác do TNS Sofres tiến hành cho tờ Le Figaro cũng cho thấy, ông Hollande đã giành được thêm 5% tỉ lệ ủng hộ của người dân Pháp, lên mức 20%, tăng đáng kể so với con số 13% hồi tháng 11 năm ngoái - mức thấp nhất trong lịch sử đối với một tổng thống Pháp.
Ông Hollande ghi điểm với hình ảnh đoàn kết cùng các nhà lãnh đạo thế giới trong cuộc đại tuần hành phản đối khủng bố ở Paris hôm 11/1. Ảnh: AP
|
Trở lại diễn biến trong tuần trước, người ta đã thấy được vẻ xông xáo, quyết đoán của đương kim Tổng thống Pháp. Chính ông đã tổ chức cuộc tuần hành lớn tại thủ đô Paris, với sự có mặt của hơn 40 nhà lãnh đạo trên thế giới, từ Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trong khoảng thời gian từ 7 - 12/1, ông chủ Điện Elysee đã 5 lần xuất hiện trước công chúng, trong đó có 2 bài phát biểu trước toàn dân vào đêm xảy ra sự kiện thảm sát và đêm kết thúc chiến dịch tiêu diệt các nghi can khủng bố.
Trên cương vị người đứng đầu nhà nước, ông là người đầu tiên kêu gọi lễ quốc tang ở Pháp kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ. Ông cũng đã thành công trong việc làm sống lại tinh thần phản kháng, tôn trọng và đoàn kết. "Tổng thống Hollande đã biết lựa chọn lời lẽ phù hợp, đưa ra những hình ảnh chuẩn mức ngay từ khi xảy ra vụ việc. Điều này có thể sẽ cải giúp cải thiện nhiều thiện cảm đối với ông, nếu như mọi việc tiếp tục đi đúng hướng”, chuyên gia Emmanuel Riviere tại công ty TNS Sofres bình luận.
Thế nhưng, sự thực thì lãnh đạo một quốc gia trong thời khắc đau thương sẽ dễ hơn việc tìm cách giải quyết những thách thức kinh tế tồn tại trong suốt một thời gian dài. Với tỉ lệ thất nghiệp hiện ở mức cao kỉ lục, lên đến 3,49 triệu người, ông Hollande sẽ phải nỗ lực và làm việc rất nhiều nếu muốn có cơ hội chiến thắng tại các cuộc bầu cử trong năm 2017. “Thời điểm đã chín muồi, các khả năng đang mở ra. Tổng thống Hollande cần nắm bắt cơ hội”, ông Riviere nói.
Hoài Thanh (
Theo Bloomberg)