Số liệu cho thấy, nhiệt độ ở Barmer của bang Rajasthan đã tăng lên 48°C vào hôm 22/5 và 48,8°C vào ngày 23/5. Đây là mức nhiệt cao nhất được ghi nhận ở Ấn Độ trong năm nay. Mực nước ở sông Yamuna đoạn chảy qua Delhi giảm xuống trong bối cảnh nắng nóng ngột ngạt, ảnh hưởng đến nguồn cung nước. Bên cạnh đó, thành phố này cũng chứng kiến nhu cầu điện đạt mức kỷ lục 8.000 megawatt/ngày, do máy điều hòa không khí, máy làm mát cũng như tủ lạnh trong nhà và văn phòng chạy hết công suất.
Cũng trong ngày này, ít nhất 24 địa điểm ở Delhi, Punjab, Haryana, Rajasthan, Uttar Pradesh, Gujarat và Madhya Pradesh ghi nhận nhiệt độ tối đa từ 45°C trở lên. Các điều kiện thời tiết có thể sẽ xấu hơn nữa khi IMD dự đoán nhiệt độ ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ sẽ tăng từ 3 đến 4°C trong vài ngày tới.
IMD đã đưa ra “cảnh báo đỏ” cho Rajasthan, Punjab, Haryana, Chandigarh, Delhi và phía Tây Uttar Pradesh, nhấn mạnh người dân trong mọi lứa tuổi ở những khu vực này có “nguy cơ rất cao” mắc các bệnh liên quan tới nhiệt và say nắng. Bên cạnh đó, IMD còn khuyến cáo tình trạng “đêm ấm” - nhiệt độ cao vào ban đêm - có thể làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt ở Uttar Pradesh, Punjab, Haryana, Delhi và Rajasthan trong 4 ngày tới.
Nhiệt độ cao vào ban đêm được coi là nguy hiểm vì cơ thể không có cơ hội hạ nhiệt. Nhiệt độ tăng vào ban đêm phổ biến hơn ở các thành phố do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, trong đó các khu vực đô thị nóng hơn đáng kể so với khu vực xung quanh.
Nắng nóng kinh hoàng đang làm căng lưới điện và làm khô cạn các khu vực chứa nước, gây ra tình trạng giống như hạn hán ở nhiều nơi trên đất nước.
Theo Ủy ban Nước Trung ương, lượng nước dự trữ tại 150 hồ chứa lớn ở Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm vào tuần trước, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở nhiều bang và ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất thủy điện.
Những đợt nắng nóng gay gắt và thường xuyên đang tạo thêm gánh nặng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Ấn Độ, những người thường khó tiếp cận với nước và máy làm mát, đồng thời thử thách sức chịu đựng của những người lao động ngoài trời. Thời tiết nóng bức làm giảm năng suất lao động và hiệu quả học tập.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, trong số 80 triệu việc làm bị mất do giảm năng suất liên quan tới sốc nhiệt trên toàn cầu vào năm 2030, Ấn Độ có thể chiếm tới 34 triệu.
Viện Toàn cầu McKinsey ra báo cáo cho rằng, với 75% lao động ở Ấn Độ phải trải qua tình trạng sốc nhiệt, việc mất năng suất lao động do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao có thể dẫn đến tổn thất tới 4,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ (150-250 tỷ USD) vào cuối thập niên này.