Chặng đường dài của EU

Hai ngày sau bài trả lời phỏng vấn gây tranh cãi dành cho nhật báo Les Echos, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục thúc đẩy chủ đề "tăng cường tự chủ chiến lược" trong bài diễn văn về chính sách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) tại La Haye, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm cấp nhà nước Hà Lan.

 

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại La Haye, Hà Lan ngày 11/4/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

“Chúng ta phải giảm bớt phụ thuộc, tăng cường quyền tự quyết của châu Âu” - Tổng thống Macron đã khẳng định khi phát biểu tại Viện nghiên cứu Nexus. Cho rằng châu Âu “chưa bảo đảm được an ninh kinh tế”, ông kêu gọi EU phải “cố gắng xây dựng một học thuyết toàn diện để bảo vệ nền kinh tế” của mình. Để thực hiện mục tiêu này, Tổng thống Pháp kêu gọi EU nên xây dựng chính sách kinh tế xoay quanh 5 trụ cột chính. Đầu tiên, là phải nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình hội nhập châu Âu để đơn giản và đồng bộ hóa các quy tắc giữa các nước thành viên. Tiếp theo, EU phải tiếp tục tái công nghiệp hóa, hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng như công nghệ giảm phát thải carbon, công nghệ số, …tương tự như các đối thủ cạnh tranh đang thực hiện. EU cũng nên tăng cường bảo vệ các lợi ích và tài sản chiến lược như công nghiệp quốc phòng, công nghệ mũi nhọn, mạng xã hội. Trong quan hệ kinh tế quốc tế, Tổng thống Pháp nhấn mạnh nguyên tắc "có đi có lại", theo tinh thần này, EU sẽ yêu cầu các thỏa thuận thương mại tương lai phải bao gồm yếu tố phát triển bền vững, sẽ không ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác không tôn trọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Cuối cùng, tiếp tục hợp tác kinh tế quốc tế. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp, “bảo vệ chủ quyền không có nghĩa là quay lưng lại với các đồng minh, mà là phải có khả năng lựa chọn đối tác và định mệnh, thay vì trở thành nhân chứng đứng ngoài quan sát những thay đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay”.

Phát biểu của Tổng thống Macron tại La Haye được cho là để làm rõ thêm những quan điểm đã đưa ra trước đó hai ngày trong bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Les Echos. Khẳng định rằng EU đã đạt được bước tiến dài trong việc củng cố tự chủ chiến lược, ông cảnh báo nguy cơ EU “có thể bị mắc kẹt vào một biến động trên thế giới, vào các cuộc khủng hoảng không liên quan đến chính mình”, làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng EU thành “một cực thứ ba” trên thế giới bên cạnh Trung Quốc và Mỹ.
Đúng như nhận định của Tổng thống Macron, “cách đây 5 năm, tự chủ chiến lược là một điều viển vông. Ngày nay, tất cả các nước đều nói về chủ đề này”. Từ đó đến nay, EU đã từng bước dựng hàng rào bảo vệ một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, khuyến khích phát triển công nghiệp tập trung vào nền kinh tế thân thiện với môi trường và định hướng sáng tạo.

Thế nhưng đó chỉ là những thành tựu hạn chế xét trên bức tranh rộng lớn. Dịch bệnh COVID-19, cuộc xung đột Ukraine đã bộc lộ hàng loạt điểm yếu của EU, phơi bày sự phụ thuộc của đa số các nước thành viên vào nước ngoài đối với những hàng hóa thiết yếu, điển hình là vật tư y tế, năng lượng. Về quốc phòng, EU gần như không thể tự bảo vệ trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Trong tương lai, EU sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc đảm nguồn cung sản phẩm quan trọng khác, điển hình là chất bán dẫn, vật tư thiết bị phục vụ cho chính sách chuyển đổi năng lượng, … Nhanh chóng kết hợp lại để hỗ trợ lẫn nhau vượt qua thách thức trong khủng hoảng, dường như các nước thành viên chưa sẵn sàng rút ra bài học về hậu quả của sự phụ thuộc, khắc phục những khiếm khuyết khiến cho EU có thể mất đi quyền tự quyết và chủ động khi cần.

Tổng thống Macron không phải là người khởi xướng chủ thuyết xây dựng tự chủ chiến lược cho EU. Khái niệm này đã được đưa ra từ cách đây hơn 10 năm, trong đó bao hàm củng cố nền công nghiệp quốc phòng châu Âu, rồi được đề cập đến trong chiến lược toàn cầu của khối năm 2016. Nhưng ông Macron đã chọn vấn đề này làm trọng tâm cho chiến lược hội nhập châu Âu, với quan điểm rằng trong thế giới ngày càng phức tạp, EU phải trang bị cho mình đủ phương tiện để củng cố vị thế với tư cách là một thế lực lớn. Tự chủ chiến lược, theo quan điểm của Tổng thống Macron, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà liên quan đến cả những lĩnh vực khác, trong đó có cả quốc phòng-an ninh. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh vấn đề này đồng nghĩa với việc EU sẽ phải tái định hình mối quan hệ với Mỹ. Đây đích thực là điều mà Tổng thống Macron đã nhấn mạnh trên báo Pháp, nhắc lại lập trường mà ông đã nhiều lần đề cập trước đây: Mỹ là đồng minh quan trọng, nhưng EU không thể "theo sau" Mỹ.

Tổng thống Macron đã nhận được một sự ủng hộ rất nặng ký. Phát biểu trên truyền hình Pháp France Info ngày 12/4, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định: “Đối với vấn đề tự chủ chiến lược, ngày càng nhiều người ủng hộ giảm phụ thuộc và mở rộng ảnh hưởng quốc tế trên 3 lĩnh vực chính là năng lượng, quốc phòng-an ninh, kinh tế và sáng tạo. […] Tổng thống Macron đã không nói điều gì đi ngược lại liên minh với Mỹ”. Ông Michel cũng ủng hộ củng cố vị thế của EU trong thế giới đa cực tương lai. “Chúng ta chỉ có hai lựa chọn, hoặc là để cho thế giới trở thành hai cực, trong đó Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh với nhau và EU chịu hậu quả, có thể là tốt, có thể là xấu, nguy cơ hậu quả xấu nhiều hơn. Hoặc là chúng ta hướng đến thế giới đa cực, trong đó đóng vai trò trên trường quốc tế, vì chúng ta là cường quốc kinh tế […]”. Trong hai xu hướng đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nghiêng về lựa chọn thứ hai.

Tuy nhiên, theo nhận xét của nghị sỹ Nghị viện châu Âu Arnaud Danjean, ngay từ khi Pháp mới đưa ra ý tưởng tự chủ chiến lược cho EU, đa số các nước đã theo dõi với sự hoài nghi. Vì vậy, vấn đề được đón nhận một cách rất dè dặt. Khái niệm tự chủ chiến lược chỉ thực sự được quan tâm khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục hạ thấp tầm quan hệ châu Âu-Mỹ. Nhưng sự ủng hộ này nhanh chóng biến mất khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, đưa ra những tuyên bố xoa dịu EU, cam kết củng cố mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Đặc biệt, cuộc xung đột Ukraine đã làm cho EU phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ, nhất là về an ninh, năng lượng, nhiều nước không còn thiết tha và hy vọng đi theo xu hướng này.

Trong bối cảnh như vậy, việc Tổng thống Macron tuyên bố mạnh mẽ thúc đẩy tự chủ chiến lược cho EU trước khi tham khảo các nước thành viên khác có thể sẽ khiến cho chủ trương của Pháp vấp phải những trở ngại lớn. Theo ông Arnaud Danjean, nhận xét của Tổng thống Pháp về tương lai quan hệ EU-Mỹ cũng chọc  giận các nước vốn đề cao quan hệ với Washington. Điều này còn cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng trong nội bộ EU về vai trò của Mỹ.   

Phản ứng đã đến ngay lập tức, phát biểu ngay trước khi lên máy bay thăm Mỹ, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định “liên minh với Mỹ là nền tảng tuyệt đối của an ninh chúng ta, dựa trên hai trụ cột là hợp tác kinh tế và trong lĩnh vực quốc phòng”. Nhà lãnh đạo Ba Lan cũng đề xuất, “thay vì xây dựng tự chủ chiến lược với Mỹ, tôi đề nghị xây dựng đối tác chiến lược với Mỹ”. Ông Morawiecki khẳng định liên minh Âu-Mỹ sẽ là chủ đề ưu tiên số một trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU của Ba Lan năm 2025. Theo nhà phân tích Sylvie Kauffman (báo Le Mon), “Tổng thống Macron sẽ còn nhiều cuộc chiến mới phải tiến hành”.

Tiến Nhất (Pv TTXVN tại Pháp)
Kế hoạch tham vọng của EU về khí đốt Azerbaijan có nguy cơ bị phá sản
Kế hoạch tham vọng của EU về khí đốt Azerbaijan có nguy cơ bị phá sản

Căng thẳng mới giữa Azerbaijan và Armenia có thể khiến Brussels gặp rắc rối với nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga bằng khí đốt từ Trung Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN