CH Serbia bình thường hóa quan hệ kinh tế với Kosovo

Ngày 4/9 (đêm 4/9 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo CH Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo đã nhất trí bình thường hóa quan hệ kinh tế.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngồi, giữa) và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (ngồi, trái), người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti (ngồi, phải) tại lễ ký thảo thuận ở Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng ngày 4/9/2020. Ảnh: AP

Tuyên bố trên được Tổng thống Trump đưa ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh CH Serbia-Kosovo kéo dài 2 ngày tại Washington D.C, nơi các nhà lãnh đạo cấp cao của hai phái đoàn đã thảo luận về một loạt vấn đề hợp tác từ phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, thương mại, trao đổi hàng hóa, dòng vốn cho tới sự tự do đi lại của người dân.

Nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá đây là một thỏa thuận lịch sử, một “bước đột phá lớn” sau hơn một thập kỷ kể từ khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập và tách khỏi CH Serbia vào năm 2008.

Tổng thống Trump cho biết thêm thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế giữa Serbia và Kosovo có được sau những nỗ lực trung giản của Mỹ, mà theo đó, Serbia cũng sẽ chuyển Đại sứ quán nước này tại Israel tới thành phố Jerusalem, đồng thời Kosovo và Israel đồng ý công nhận lẫn nhau.

Sau khi Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, đến nay cộng đồng quốc tế vẫn chia rẽ trong việc công nhận vùng lãnh thổ này. Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền Kosovo nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU.

Hầu hết các nước phương Tây đã công khai công nhận nền độc lập của Kosovo, song Nga và Trung Quốc tới nay vẫn từ chối. Tranh cãi về qui chế của vùng lãnh thổ này là một trong những nguyên nhân gây bất ổn ở khu vực Balkan trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, tình hình dần thay đổi sau khi đảng Cấp tiến Serbia (SNS) cầm quyền giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 21/6 tại Serbia. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic ngày 22/6 thông báo sẽ bắt đầu một loạt gặp nhằm khởi động lại các cuộc hội đàm đã đình trệ với Kosovo.

Ngày 16/7, một cuộc hội đàm trực tiếp đã diễn ra giữa Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và người đứng đầu chính quyền Kosovo Avdullah Hoti nhằm thúc đẩy các nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai bên. Trước đó, hai bên đã hội đàm trực tuyến vào ngày 12/7 dưới sự chủ trì của Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Miroslav Lajcak, đại diện đặc biệt của EU về đối thoại Serbia-Kosovo, cuộc hội đàm lần này tập trung vào vấn đề người tị nạn, mất tích và phát triển kinh tế. Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Vucic cho biết ông muốn giải quyết các tranh chấp đang tồn đọng với Kosovo, nhưng hiện còn quá nhiều khác biệt giữa hai bên trong tất cả các vấn đề quan trọng. Về phần mình, đại diện vùng lãnh thổ Kosovo nhìn nhận tích cực hơn về cuộc hội đàm ngày 16/7, cho rằng đã có những bước tiến trong đàm phán về phát triển kinh tế.  

Đại diện cấp cao phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng cho rằng việc hai nhà lãnh đạo đã đối thoại 2 lần trong vòng 1 tuần là dấu hiệu cho thấy hai bên muốn đạt được tiến bộ, đồng thời kêu gọi đàm phán trên "tinh thần thỏa hiệp và thực tế" để đạt được kết quả.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Hội đàm trực tiếp Serbia-Kosovo khởi đầu không suôn sẻ 
Hội đàm trực tiếp Serbia-Kosovo khởi đầu không suôn sẻ 

Các cuộc hội đàm trực tiếp giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo sau thời gian dài trì hoãn khởi động không mấy suôn sẻ vào ngày 16/7 do Serbia cáo buộc Kosovo đưa ra yêu cầu phi thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN