Cộng hòa Séc đang đặt cược lớn vào hạt nhân như là một phần của chương trình từ bỏ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm. Nhưng họ cũng đang vật lộn để tìm câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng: Tất cả chất thải phóng xạ đó sẽ đổ đi đâu?
Chiến lược năng lượng dài hạn mới của chính phủ liên quan đến việc bổ sung thêm 4 lò phản ứng mới vào 6 tổ máy cũ kỹ hiện đang cung cấp khoảng 35% điện năng của đất nước. Chính phủ Séc hy vọng sẽ hoàn tất đợt đấu thầu lần đầu tiên vào năm 2024.
Miluš Trefancová, phát ngôn viên của Bộ Công thương Séc, cho biết: “Điều quan trọng" đối với Cộng hòa Séc hoặc bất kỳ quốc gia nào đang mở rộng đội ngũ hạt nhân của mình là phải có một chiến lược toàn diện để quản lý chất thải phóng xạ".
Nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng hiện có của Séc hiện đang được lưu trữ tại hai nhà máy điện hạt nhân của đất nước, Dukovany và Temelín. Nhưng với việc nước này đang mở rộng hệ thống năng lượng hạt nhân, họ sẽ cần phải tìm ra một giải pháp mới.
Praha hiện đang chạy đua để đẩy nhanh kế hoạch đầy tham vọng kéo dài hàng thập kỷ nhằm xây dựng một kho lưu trữ địa chất sâu có thể cho phép chất thải hạt nhân được chôn vùi nửa km dưới lòng đất trong 100.000 năm tới. Một quốc gia châu Âu khác là Phần Lan hy vọng sẽ khai trương cơ sở như vậy đầu tiên trên thế giới trong một hoặc hai năm tới.
Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều đối với người Séc, khi các quy định mới của EU về những gì được coi là đầu tư bền vững yêu cầu các dự án hạt nhân mới phải có giấy phép xây dựng trước năm 2045 và có kế hoạch chi tiết về lưu trữ chất thải phóng xạ mức độ cao trước thời hạn năm 2050 để đủ điều kiện cấp nhãn màu xanh lá cây.
Những thời hạn đó gây sức ép ở Praha, nơi giới chức đã vận động hành lang mạnh mẽ cùng với các nước EU có cùng chí hướng để đưa công nghệ hạt nhân vào danh sách đầu tư bền vững của EU.
Chính phủ Séc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một mô hình tài chính để xây dựng các đơn vị hạt nhân mới, trong đó dự án đầu tiên được cho là có chi phí cao hơn đáng kể so với ước tính ban đầu là 6 tỷ euro. Các dự án này sẽ không khả thi nếu không được đánh giá là đầu tư bền vững theo các quy tắc của EU.
Bà Trefancová cho biết, xây dựng một kho lưu trữ địa chất sâu là "một thành phần thiết yếu" trong chiến lược năng lượng của đất nước. Bà nói thêm rằng các kế hoạch đã được thực hiện “để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị trong 15 năm”.
Chọn địa điểm đã là một vấn đề đau đầu. Không chỉ cần thực hiện vô số cuộc kiểm tra địa chất, thủy văn và các kiểm tra khác, mà chính phủ còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương, những người cảnh giác với việc là chủ nhà của một cơ sở xử lý chất thải.
Ông Lukáš Vondrovic, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kho chứa Chất thải Phóng xạ của Séc, cho biết, nếu quy trình đánh giá kỹ thuật là vấn đề duy nhất, thì các kế hoạch có thể dễ dàng được đẩy nhanh, nhưng khía cạnh xã hội thì phức tạp hơn.
Chính phủ hiện đang ưu tiên các địa điểm gần các nhà máy điện hạt nhân hiện có với hy vọng rằng mức độ phản kháng tại địa phương sẽ thấp hơn. Nhưng bốn thành phố lọt vào danh sách năm 2020 cũng đang "nghênh chiến", cáo buộc chính phủ lập kế hoạch kém và thiếu thông tin. Họ cũng bày tỏ những lo ngại rằng tác động tiềm tàng đối với môi trường, giá nhà hoặc du lịch đang bị phớt lờ.
Bà Hana Konvalinková, từ Tổ chức phi chính phủ Nền tảng chống Lưu trữ Sâu, cho biết: “Các thành phố đó không phản đối năng lượng hạt nhân. Họ hiểu rằng rác thải phải được xử lý, nhưng họ muốn sự minh bạch hoàn toàn và được tham gia (vào nỗ lực đó).”
Nhằm đẩy nhanh kế hoạch, chính phủ Séc đã cam kết trao cho các thành phố liên quan một tiếng nói lớn hơn trong quá trình này.
Nhưng tổ chức Nền tảng chống Lưu trữ Sâu rất hoài nghi về động thái này, nói rằng dự luật được diễn đạt một cách mơ hồ và có quá nhiều sơ hở. Các thành phố muốn có quyền phủ quyết bất kỳ dự án chất thải hạt nhân nào, và lấy Phần Lan làm ví dụ.
Các địa điểm tiềm năng cho cơ sở Onkalo của Phần Lan - dự kiến là địa điểm đầu tiên trên thế giới thử nghiệm giải pháp chôn chất thải hạt nhân sâu dưới lòng đất như là giải pháp tốt nhất - có quyền phủ quyết dự án.
Kể từ khi thành phố nông nghiệp xa xôi Eurajoki trên bờ biển phía tây nam của Phần Lan đồng ý cho phép xây dựng cơ sở này, họ cho biết họ đã thấy sự gia tăng về việc làm và doanh thu thuế.
Trong khi đó, bà Konvalinková nói rằng Praha đang cố gắng thuyết phục bốn thành phố của mình về những lợi ích tương tự.
Thành phố chủ nhà của cơ sở chôn rác thải hạt nhân ở Séc sẽ kiếm được 4 triệu koruna (168.000 euro) mỗi năm, cộng với 10.000 koruna trợ cấp của nhà nước cho mỗi mét khối chất thải được chôn lấp.
Nhưng chính quyền Séc vẫn do dự chưa cho phép các địa phương được lựa chọn các quyết định ngăn chặn. Chính phủ "không thể đảm bảo quyền phủ quyết."
Praha dường như quyết tâm thúc đẩy xác định một địa điểm cho cơ sở chôn lấp vào cuối thập kỷ này. Tất cả các công việc chuẩn bị và hoạt động xây dựng sau đó có thể cần phải được hoàn thành vào năm 2050 để đáp ứng các yêu cầu của EU.
Bà Trefancová chỉ ra rằng dự án Onkalo của Phần Lan mất 27 năm để xây dựng, nhưng đề nghị Praha tiếp tục nỗ lực thuyết phục Brussels tạo điều kiện linh hoạt về thời hạn.