Trung tâm thống kê y tế quốc gia (NCHS) thuộc CDC đã thực hiện báo cáo dựa trên các dữ liệu chứng tử từ tháng 1/2020 đến hết tháng 6/2022, cụ thể là các ca tử vong liên quan hội chứng COVID-19 kéo dài. Kết quả chỉ ra hội chứng này được liệt kê như một phần nguyên nhân dẫn tới 3.544 ca tử vong được báo cáo trong giai đoạn trên, tức là chiếm gần 1% trong tổng số trên 1 triệu ca tử vong vì COVID-19 được ghi lại trong giai đoạn này.
Theo nhà khoa học Farida Ahmad, thuộc NCHS, đây là lần đầu tiên các dữ liệu chứng tử được sử dụng để nhận diện những ca tử vong do COVID-19 kéo dài. Hội chứng này xảy ra khi bệnh nhân đã được xác nhận âm tính với virus nhưng vẫn có những triệu chứng mắc bệnh trong ít nhất 4 tuần sau khi hồi phục. Ở một số trường hợp, các triệu chứng có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Các triệu chứng dai dẳng như choáng váng, khó thở, đau đầu, não sương mù, đau khớp và cơ, mất khứu giác và vị giác. Giới khoa học vẫn đang nghiên cứu về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và chưa có kết luận chắc chắn.
Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ ca tử vong liên quan COVID-19 kéo dài lên mức cao nhất vào tháng 6/2021 (1,2%) trước khi giảm dần và lại tiếp tục lên mức cao mới vào tháng 4/2022 (3,8%). Cả 2 khoảng thời gian này đều là lúc số ca tử vong vì COVID-19 giảm.
Nhóm nghiên cứu sau đó cũng so sánh sự khác nhau về tỷ lệ tử vong vì COVID-19 và vì COVID-19 kéo dài giữa nam giới và nữ giới trong 12 tháng tính từ tháng 7/2021 đến 30/6/2022. Trong khi tỷ lệ các ca tử vong vì COVID-19 là nam giới chiếm 56% thì tỷ lệ tử vong vì COVID-19 kéo dài của nhóm này là 51,5%.
Tương tự như các ca tử vong vì COVID-19, các ca tử vong vì COVID-19 kéo dài tại Mỹ chủ yếu xảy ra ở người già. Theo đó, tỷ lệ các ca tử vong vì COVID-19 kéo dài có độ tuổi từ 75 - 84 là 28%, tiếp đến là nhóm trên 85 tuổi với 28,1% và nhóm từ 65 - 74 tuổi là 21,5%.