Các con đường bị đóng cửa, học sinh nghỉ học ở nhà, hoạt động tại các sân bay chính cũng bị đình trệ. Cả thành phố Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) đang sống trong cảnh nghẹt thở với bầu không khí đặc khói bụi. Đây có thể xem là một sự nhắc nhở rằng Trung Quốc vẫn nhiều việc phải làm để có thể xử lý hậu quả của việc lệ thuộc vào than.Cảnh sát Cáp Nhĩ Tân đều khển giao thông trong khói bụi. |
Tầm nhìn tại nhiều nơi ở thành phố có hơn 10 triệu người sinh sống này theo báo cáo đã giảm xuống dưới 20m do các hệ thống đốt than cung cấp nhiệt tăng cường hoạt động trong những tháng mùa đông. Ngoài ra, các nhà chức trách cũng đổ lỗi cho hai nhân tố tác động thêm vào cuộc khủng hoảng ô nhiễm là việc người nông dân đốt gốc rạ sau mùa vụ lẫn những cơn gió hoạt động ở tầm thấp.
Tại thành phố băng Cáp Nhĩ tân, nơi vẫn tổ chức lễ hội băng tuyết hàng năm với những bức điêu khắc băng nghệ thuật, nhiệt độ có thể giảm xuống đến -40 độ C vào mùa đông khiến cư dân thường xuyên cần hơi ấm để sưởi. Theo thống kê, mức độ các hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) trong bầu không khí của Cáp Nhĩ Tân trong tuần này được báo đã chạm ngưỡng 1.000 microgram/m3, vượt ngưỡng an toàn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đến 40 lần.
Trong khi đó, nhiều thành phố ở phía bắc Trung Quốc, bao gồm thủ đô Bắc Kinh và Thiên Tân, bị xếp hạng là hai trong số những nơi ô nhiễm nhất thế giới. Việc sử dụng than chiếm đến 70% việc khai thác năng lượng tại Trung Quốc. Quốc gia này cũng là nước có lượng khai thác than và thải khí carbon lớn nhất trên thế giới.
Theo một bản nghiên cứu được đăng tải trong tháng bảy trên tờ PNAS thì sự ô nhiễm không khí đã khiến Trung Quốc mất đi 2,5 tỉ năm tuổi thọ. Từ năm 1950 đến 1980, chính phủ Trung Quốc có chính sách cung cấp than miễn phí cho việc làm ấm văn phòng và gia đình của dân cư tại miền bắc.
Đến những năm 90 của thế kỉ XX, tuổi thọ của người dân miền bắc thấp hơn người dân ở miền nam 5,5 năm. Các nhà nghiên cứu nói rằng sự chênh lệch đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay mà nguyên do gần như hoàn toàn bởi vì các bệnh về tim và phổi liên quan đến ô nhiễm không khí từ việc đốt than.
Một bản nghiên cứu độc lập được công bố tháng trước cho biết nếu thế giới hành động để hạn chế các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sẽ có hơn khoảng 500.000 mạng sống được cứu trên toàn cầu mỗi năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng lợi ích của việc cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe mang lại chỉ riêng tại khu vực Đông Á sẽ cao từ 10 – 70 lần chi phí của việc giảm các loại khí thải tính đến trước năm 2030.
Có thể nhận thấy việc Trung Quốc hiện đang xây dựng thêm khoảng 22 tỉ m2 nhà mới mỗi năm khiến cho thách thức phải cải thiện cơ sở hạ tầng cấp nhiệt cũng như tính hiệu quả của hệ thống sẵn có trở nên cấp thiết. Cùng lúc đó, việc chất lượng cuộc sống đang tăng lên tạo ra yêu cầu về nguồn năng lượng lớn hơn bao giờ hết. Tuy vậy, than vẫn được hỗ trợ khiến người sử dụng chưa vấp phải chi phí thật sự trong việc sử dụng loại nhiên liệu ngày.
Đầu năm nay Trung Quốc đã công bố một lệnh cấm đối với các nhà nhà máy than mới tại ba vùng công nghiệp gần Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu vì các vấn đề chất lượng không khí. Chính phủ cũng đã thông qua ít nhất chín dự án thay thế than bằng khí tổng hợp tự nhiên (SNG), một chiến lược có thế giúp làm dịu bớt những nhức nhối về ô nhiễm không khí tại nước này.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề môi trường khác có thể phát sinh bởi khí SNG tạo ra các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính cao gấp 7 lần so với mức thải ra của các loại khí thiên nhiên khác trong khi nó lại tốn một khối lượng nước lớn hơn nhiều.
“Tôi hiểu rằng với chính phủ Trung Quốc, vấn đề khói bụi có thể khẩn cấp hơn vấn đề nóng lên toàn cầu. Điều này giải thích cho chính sách ưu tiên SNG của họ”, nhà nghiên cứu Chi-Jen Yang nói. Theo ông, việc đưa ra chính sách ngắn hạn sẽ khiến cho nước này bị bế tắc trong con đường phát triển không bền vững ở tầm dài hạn.
A.M (
Theo National Geographic)