Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện đã hơn gấp đôi tại Ấn Độ, lần lượt là 26.512.193 ca và 1.734.026 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại Brazil bằng một nửa tại Mỹ, lần lượt là 222.775 ca và 447.459 ca.
Bắc Mỹ là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên tới 30.328.392 ca, trong khi châu Âu theo sát phía sau với 30.057.386 ca. Châu Á đứng thứ ba với gần 23 triệu ca và Nam Mỹ đứng thứ 4 với hơn 15,7 triệu ca.
Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã ban bố quy định yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng giữa các bang và tại các trung tâm trung chuyển, bao gồm máy bay, taxi và tàu hỏa. Quy định bắt đầu từ tối 1/2, áp dụng cả với các phương tiện đi chung và tàu điện ngầm. Việc không đeo khẩu trang theo yêu cầu sẽ bị coi là vi phạm luật pháp liên bang.
Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện ổn định tại Mỹ sẽ tạo điều kiện cho một số bang nới lỏng các biện pháp hạn chế. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo thông báo thành phố New York sẽ cho phép các nhà hàng phục vụ thực khách trong không gian kín vào Ngày lễ tình nhân sắp tới (14/2).
Để hạn chế các hoạt động đi lại không cần thiết trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thông báo một loạt biện pháp, bao gồm việc dừng tất cả các chuyến bay đến và đi từ các địa danh đầy nắng - những địa điểm “trốn Đông” quen thuộc của người dân Canada. Các hãng Air Canada, WestJet, Sunwing và Air Transat đều đã đồng ý hủy dịch vụ hàng không đến “tất cả các điểm đến ở Caribe và Mexico” bắt đầu từ 31/1 - 30/4/2021.
Tại Nam Mỹ, Colombia là nước bị ảnh hưởng thứ hai sau Brazil và hiện đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm, trong khi Argentina và Peru đều có hơn 1,1 triệu ca với số ca tử vong lần lượt là 47.775 ca và 53.284 ca. Chile đang đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng với 718.749 ca nhiễm và 18.257 ca tử vong.
Tại châu Âu, Nga, Anh và Pháp đều đã ghi nhận trên 3,1 triệu ca nhiễm, trong đó Nga có nhiều nhất là 3.832.080 ca. Tuy nhiên, Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu lục với 104.371 ca, Italy đứng thứ hai với 87.858 ca tử vong. Tây Ban Nha, Italy và Đức đều đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm, trong khi Ba Lan và Ukraine đã có hơn 1,2 triệu ca.
Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin cho biết hơn một nửa số dân thủ đô nước Nga đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông Sobyanin cũng lưu ý tỷ lệ bệnh nhân tái nhiễm sau khi được điều trị là rất nhỏ, chỉ khoảng 1%. Đây là bằng chứng cho thấy khả năng miễn dịch với COVID-19 tồn tại trong một thời gian dài.
Từ ngày 31/1 tới, Pháp sẽ đóng cửa biên giới với các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU) do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Anh và Nam Phi có nguy cơ cao làm gia tăng số lượng ca nhiễm bệnh. Thủ tướng Pháp Jean Castex nhấn mạnh: "Kể từ nửa đêm 31/1, mọi hoạt động nhập cảnh vào Pháp từ một quốc gia bên ngoài EU và xuất cảnh đến một quốc gia ngoài EU đều sẽ bị cấm, trừ khi có lý do đặc biệt. Ông cho biết thêm rằng người muốn nhập cảnh "buộc phải trải qua xét nghiệm PCR, trừ những công nhân qua lại biên giới làm việc".'
Trong khi đó, Chính phủ Na Uy sẽ từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô, cho phép một số cửa hàng và hoạt động giải trí mở cửa trở lại từ ngày 3/2 tới. Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Y tế Bent Hoeie cho biết: "Số ca nhiễm đang liên tục giảm và giờ đây tình hình đang được cải thiện".
Tại châu Á, ngày 30/1, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã thông báo trường hợp tử vong đầu tiên kể từ tháng 5/2020. Người đứng đầu ngành y tế Đài Loan Chen Shih-chung xác nhận một cụ bà khoảng 80 tuổi, sức khỏe yếu, đã tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ một ổ dịch địa phương liên quan tới một bệnh viện tại thành phố Đào Viên (Taoyuan) ở miền Bắc.
Tại Đông Nam Á, Indonesia bị ảnh hưởng nhiều nhất với 1.066.313 ca nhiễm và 29.728 ca tử vong, tiếp theo là Philippines đứng thứ hai với 523.516 ca nhiễm với 10.669 ca tử vong. Malaysia ngày 30/1 đánh dấu ngày có số ca nhiễm mới cao nhất, với 5.728 ca, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 209.661 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 13 ca tử vong mới trong 24 giờ qua.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết thỏa thuận đi lại "làn xanh" tương hỗ giữa Singapore với Đức, Malaysia và Hàn Quốc sẽ bị kể từ ngày 1/2 tới do số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những người vì lý do đặc biệt được cấp phép vẫn có thể nhập cảnh vào Singapore theo những thỏa thuận này. Thỏa thuận đi lại “làn xanh” cho phép việc đi lại thiết yếu giữa hai nước.
Liên quan đến việc tiêm vaccine, một tin vui là Bộ Y tế Israel thông báo trong tổng số 715.427 người được tiêm xong hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech, chỉ có 0,04% (tức 317 người) bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh. Trong số các bệnh nhân này cũng chỉ có 16 người xuất hiện các triệu chứng nặng và phải nhập viện.
Hiện vẫn chưa thể so sánh hiệu quả của việc tiêm vaccine tại nước này với hiệu quả do hãng dược phẩm Pfizer công bố khi thử nghiệm, do thời gian theo dõi chưa đủ dài. Tuy nhiên, đã có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm được tiêm vaccine và nhóm chưa được tiêm. Ngoài ra, mặc dù chưa thể khẳng định cụ thể về nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm đủ hai liều, nhưng nguy cơ này đã được giảm đáng kể.
Do kế hoạch phân phối vaccine không diễn ra theo đúng tiến độ, Ủy ban Điều phối các hoạt động tiêm chủng vaccine của Romania (CNCAV) đã phải hoãn tiêm chủng cho gần 67.000 người trong nửa tháng để đảm bảo có đủ lượng vaccine cung cấp cho người chuẩn bị tiêm mũi thứ 2.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trong bối cảnh dịch hoành hành mạnh như hiện nay, các nước giàu cần tránh lặp lại sai lầm trong quá khứ về tích trữ dược phẩm và vaccine, cho rằng hành động như vậy sẽ chỉ khiến đại dịch kéo dài. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích việc các nước giàu tìm cách mua lượng lớn các loại vaccine ngừa COVID-19, khiến số hàng tới tay nước nghèo còn rất ít.
Theo ông Ghebreyesus, đại dịch COVID-19 đã phơi bày và khoét sâu tình trạng bất bình đẳng trên thế giới, đồng thời cảnh báo vaccine, công cụ giúp vốn giúp chấm dứt đại dịch, có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng này. Ông nhấn mạnh "chủ nghĩa dân tộc vaccine" có thể đáp ứng các mục tiêu chính trị trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ dẫn đến tầm nhìn ngắn hạn và cuối cùng là thất bại.
WHO hiện đang dẫn đầu Cơ chế COVAX, được thiết lập với mục tiêu đặt mua vaccine và đảm bảo số hàng này được phân phối công bằng ra khắp thế giới. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ bắt đầu phân phối vaccine trong vài tuần tới.