Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh với 26.014.892 ca nhiễm và 435.540 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil.
Tại châu Á, Thái Lan thông báo đầu tuần tới sẽ mở cửa hầu hết trường học, bao gồm các trường tại thủ đô Bangkok, nhằm khoanh vùng khu vực ghi nhận số ca mắc giảm. Cho tới nay, Thái Lan đã ghi nhận 15.465 ca mắc COVID-19 và 76 ca tử vong.
Trong khi đó, Indonesia thông báo trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 387 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia Đông Nam Á này. Như vậy, tính đến nay, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 28.855 trường hợp tử vong do mắc COVID-19 trong tổng số 1.024.298 người mắc bệnh.
Tại Trung Quốc, giới chức thành phố Bắc Kinh cho biết sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch trước thềm Tết Nguyên đán và phiên họp thường niên của Quốc hội nước này. Từ ngày 28/1 đến ngày 15/3 tới, chính quyền thành phố Bắc Kinh sẽ yêu cầu những người từ các khu vực có nguy cơ thấp mắc COVID-19 tại Trung Quốc đến thành phố này phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, họ vẫn phải thực hiện 14 ngày giám sát y tế ngay sau khi đến Bắc Kinh.
Cùng ngày, Hàn Quốc thông báo đã ghi nhận thêm 599 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất trong 10 ngày qua. Tính đến nay, tổng số ca mắc tại Hàn Quốc là 76.429 người, trong đó có 1.378 trường hợp không qua khỏi.
Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo các du khách tới từ khoảng 30 nước có nguy cơ cao mắc COVID-19 sẽ phải cách ly trong 10 ngày tại các cơ sở do chính phủ chỉ định để ngăn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan.
Trong khi đó, Thụy Sĩ yêu cầu kể từ ngày 8/2, những người nhập cảnh từ các nước có nguy cơ cao phải có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Nga, Thị trưởng thủ đô Moskva, ông Sergei Sobyanin, cho biết do đại dịch COVID-19 đang suy giảm, các cơ sở giải trí ở thành phố này đã có thể hoạt động trở lại vào ban đêm và nhân viên có thể làm việc tại văn phòng.
Tại châu Mỹ, Tổng thống Peru lâm thời Francisco Sagasti thông báo 16,4 triệu người dân nước này, bao gồm ở thủ đô Lima, sẽ thực hiện lệnh phong tỏa mới từ ngày 31/1 đến 14/2. Theo lệnh phong tỏa, chỉ các dịch vụ thiết yếu như chợ, hiệu thuốc, ngân hàng được mở cửa, trong khi các nhà thờ tạm dừng hoạt động. Các khu vực không thực hiện lệnh phong tỏa vẫn duy trì các biện pháp hạn chế khác như giới nghiêm và cấm tụ tập.
Liên quan đến công tác tiêm phòng và bào chế vaccine, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ mua thêm 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Như vậy, cùng với số vaccine hiện có, Mỹ sẽ có đủ nguồn vaccine để tiêm cho 300 triệu dân vào cuối mùa Hè hoặc đầu mùa Thu tới.
Tại Iceland, chính quyền đã phát hành những chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đầu tiên cho người dân, trong nỗ lực nhằm hỗ trợ hoạt động di chuyển quốc tế. Hiện nhiều quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang cân nhắc việc lưu hành loại chứng nhận này.
Tại Phần Lan, chính quyền đã mở hệ thống đặt chỗ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trực tuyến tại thủ đô Helsinki và tỉnh Uusimaa lân cận. Việc triển khai hệ thống này là bước chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng mở rộng tại khu vực, ưu tiên người cao tuổi. Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Phần Lan sẽ bắt đầu cuối tuần này tại 2 thành phố Espoo và Vantaa.
Tại Tây Ban Nha, giới chức y tế đã quyết định tạm dừng kế hoạch tiêm phòng COVID-19 trong ít nhất 2 tuần tới do đang thiếu vaccine.
Ở châu Á, trong ngày 27/1, Myanmar đã khởi động chương trình tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế đang làm việc ở tuyến đầu của các vùng và bang của đất nước.
Về phần mình, Singapore đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi tại hai địa điểm là Ang Mo Kio và Tanjong Pagar. Việc triển khai này nằm trong kế hoạch thử nghiệm giúp Bộ Y tế Singapore thiết lập các quy trình hoạt động trước khi mở rộng chương trình ra toàn quốc, với việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả người cao tuổi ở “đảo quốc Sư tử” từ giữa tháng 2 tới.
Tại Malaysia, Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine ngừa COVID-19 do Viện Y sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc (IMBCAM) phát triển. Malaysia là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine của IMBCAM.
Tại Nam Phi, cơ quan dược phẩm thông báo nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca.