Theo hãng tin Reuters (Anh), hàng trăm người đã đổ xô đến văn phòng hộ chiếu tại thủ đô Kabul bất chấp khuyến cáo rằng việc cấp hộ chiếu sẽ chỉ bắt đầu vào cuối tuấn và sẽ ưu tiên cho những người đã nộp đơn trước. Trước tình hình này, nhiều tay súng Taliban được triển khai xung quanh văn phòng để kiểm soát trật tự.
Giới chức Taliban cho biết văn phòng cấp hộ chiếu Afghanistan sẽ hoạt động trở lại từ ngày 8/10, sau gần 2 tháng ngừng hoạt động kể từ khi chính quyền cũ sụp đổ và lực lượng này lên nắm quyền hồi tháng 8. Thông tin này đã khiến hàng trăm người dân đổ tới văn phòng và gây ra cảnh tượng hỗn loạn.
Mahir Rasooli, một trong những người đến xin cấp hộ chiếu, cho biết:“Tôi đến để xin cấp hộ chiếu nhưng như bạn thấy ở đâycó rất nhiều vấn đề. Rõ ràng là hệ thống không hoạt động. Không có quan chức nào giải đáp các thắc mắc của chúng tôi. Mọi người đang vô cùng bối rối”.
Phát ngôn viên của chính quyền Taliban phụ trách điều hành dịch vụ cấp hộ chiếu chưa trả lời yêu cầu bình luận về thông tin trên.
Các nhân chứng cho biết đám đông dồn vào một bức tường bê tông và cố gắng tìm cách đưa giấy tờ cho một quan chức đứng trên đó. Điều này gợi nhớ khung cảnh hỗn loạn bên ngoài sân bay quốc tế Kabul khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan cuối tháng 8. Quan chức Taliban đã kêu gọi người dân về nhà và trở lại vào ngày 8/10.
“Tôi đến lấy hộ chiếu nhưng không thể. Tôi không biết chúng tôi phải làm gì trong điều kiện như thế này”, Ahmad Shakib Sidiqi, một người trong đám đông bên ngoài văn phòng, cho hay.
Sidiqi và Rasooli cho biết triển vọng kinh tế ảm đạm khiến họ muốn rời đi.
Rasooli nói: “Tôi không có việc làm và tình hình kinh tế cũng không ổn định nên tôi muốn tìm một tương lai tốt đẹp cho các con mình”.
Trong khi đó, Sidiqi cho biết anh muốn có hộ chiếu để cùng một thành viên trong gia đình đến quốc gia láng giềng Pakistan để điều trị y tế. Anh nói thêm rằng mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc rời đi.
“Chúng tôi phải rời khỏi Afghanistan”, anh nói. “Chúng tôi không có việc làm. Đây là một tình huống tồi tệ ở Afghanistan. Đó không phải là điều kiện lý tưởng để chúng tôi sinh sống”.
Trong khi đó, Taliban cho biết họ hoan nghênh viện trợ quốc tế, mặc dù nhiều nhà tài trợ đã ngừng hỗ trợ Afghanistan sau khi lực lượng này lên nắm quyền.
Tình trạng đói nghèo tại Afghanistan ngày càng tồi tệ kể từ khi Taliban kiểm soát đất nước. Afghanistan cũng đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán và đại dịch COVID-19 hoành hành. Liên hợp quốc cho biết nửa triệu người đã rời bỏ nhà cửa trong những tháng qua, con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi nền kinh tế và dịch vụ sức khỏe sụp đổ.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell hôm 3/10 cho biết Afghanistan đang phải đối mặt “một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng và sự sụp đổ kinh tế xã hội rình rập”, gây nguy hiểm cho an ninh khu vực và quốc tế.