Afghanistan cạn kiệt tiền mặt từ trước khi Taliban nắm quyền

Ngân hàng Trung ương Afghanistan đã cắt giảm phần lớn dự trữ tiền mặt bằng USD trong vài tuần trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Điều này đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra tại quốc gia này.

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban thu giữ một lượng lớn tiền mặt từ các cựu quan chức chính phủ cũ của Afghanistan. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters (Anh) đã tiếp cận được một báo cáo bí mật của các quan chức cấp cao tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Bản báo cáo bí mật gồm 2 trang cho biết tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng tại Afghanistan đã xảy ra trước khi lực lượng Taliban lên nắm quyền.

Theo đó, bản báo cáo đã chỉ trích cách xử lý khủng hoảng của các nhà lãnh đạo cũ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan trước khi Taliban giành quyền kiểm soát, bao gồm quyết định bán đấu giá một lượng lớn USD dự trữ trong kho bạc và chuyển tiền từ Kabul đến các nhân hàng chi nhánh tỉnh. 

“Dự trữ ngoại hối trong các kho bạc của ngân hàng trung ương ở Kabul đã cạn kiệt. Cơ quan này không thể đáp ứng nhu cầu về tiền mặt”, Reuters dẫn nguồn báo cáo cho biết. “Gốc rễ lớn nhất của vấn đề là sự quản lý yếu kém tại ngân hàng trung ương trước khi Taliban tiếp quản”.

Ông Shah Mehrabi - Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, người giám sát ngân hàng trước khi Taliban nắm quyền và hiện vận tại vị - cho biết họ đang nỗ lực ngăn chặn sự chênh lệch tỉ giá giữa đồng nội tệ Afghanistan với các đơn vị ngoại tệ.

Tình trạng thiếu hụt tiền mặt đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân Afghanistan. Trên khắp các đường phố những ngày qua, có thể thấy cảnh tượng hàng dài người xếp hàng suốt nhiều giờ để chờ rút tiền tiết kiệm bằng USD, trong bối cảnh số tiền được rút có thể bị giới hạn nghiêm ngặt. 

Trước cú sốc về sự sụp đổ của chính phủ cũ, nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn của Afghanistan càng trở nên rối ren. Sự trở lại của Taliban đã góp phần chấm dứt hàng tỉ USD viện trợ nước ngoài khiến nước này rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Giá các mặt hàng chủ lực, như bột mì, đã tăng chóng mặt trong khi tỷ lệ thất nghiệp ngày một cao, khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói khi mùa đông đến gần.

Theo một nguồn tin thân cận, dưới thời chính phủ trước, ngân hàng trung ương phụ thuộc chủ yếu vào khoản tiền 249 triệu USD, được viện trợ khoảng ba tháng một lần và được lưu trữ trong kho bạc của ngân hàng trung ương và dinh tổng thống. Nhưng số tiền đó đã cạn kiệt khi các thế lực nước ngoài né tránh giao dịch trực tiếp với Taliban.

Ngân hàng trung ương - cơ quan đóng vai trò quan trọng ở Afghanistan trong việc phân phối các khoản viện trợ từ các quốc gia như Mỹ - cho biết hôm 29/9 họ đã hoàn thành kế hoạch cuối cùng để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của đất nước. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra chi tiết.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ cũng đang khiến Taliban gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản, bao gồm chi trả hoặc phân tán tiền lương cho các nhân viên chính phủ, nhiều người trong số họ đã không được trả lương trong nhiều tháng.

Khoảng 9,5 tỷ USD dự trữ ở nước ngoài của Afghanistan cũng đã bị đóng băng ngay sau khi Taliban chiếm được Kabul, khiến ngân hàng trung ương chỉ còn lại tiền mặt trong kho bạc

Bản báo cáo cho biết ngân hàng trung ương đã đấu giá 1,5 tỷ USD từ ngày 1/6 đến ngày 15/8 cho các đại lý ngoại hối địa phương. Tuy nhiên, quan chức ngân hàng Mehrabi cho biết số tiền đấu giá thực tế chỉ có 714 triệu USD. Ông cho biết ngân hàng trung ương đã “tiếp tục đấu giá ngoại hối để giảm mất giá và lạm phát”.

Báo cáo cũng đặt câu hỏi về quyết định của ngân hàng trung ương trong việc chuyển một số khoản dự trữ của mình đến các chi nhánh ngân hàng cấp tỉnh. Báo cáo tiết lộ “một khoản tiền đã bị mất (bị đánh cắp) từ 'một số' chi nhánh của tỉnh”, nhưng không nêu rõ số tiền là bao nhiêu.

Ông Mehrabi cho biết ngân hàng trung ương đang điều tra số tiền bị đánh cắp từ ba trong số các chi nhánh của họ và khẳng định Taliban không đứng sau sự việc. Ông không cho biết thêm chi tiết.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ajmal Ahmady, người đã rời khỏi đất nước một ngày sau khi Kabul thất thủ, đã không trả lời email yêu cầu bình luận về động thái của ông và ngân hàng trong những tháng trước khi Taliban trở lại nắm quyền.

Song Ahmady đã nói trên Twitter trong những tuần gần đây rằng ông đã cố gắng hết sức để quản lý tình hình và đổ lỗi sự thiếu hụt tiền mặt  là do việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương ở nước ngoài. Trong các tuyên bố của mình, ông cho biết ngân hàng trung ương đã quản lý tốt nền kinh tế trước khi Kabul thất thủ. Ahmady cho biết ông cảm thấy tồi tệ khi để nhân viên ở lại nhưng lo sợ cho sự an toàn của mình. Ông cũng nói rằng không có khoản tiền nào bị đánh cắp từ bất kỳ tài khoản dự trữ nào.

Hải Vân/Báo Tin tức
Taliban cảnh báo hậu quả nếu máy bay không người lái Mỹ xuất hiện ở Afghanistan
Taliban cảnh báo hậu quả nếu máy bay không người lái Mỹ xuất hiện ở Afghanistan

Taliban đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ phải gánh hậu quả nếu máy bay không người lái Mỹ tiếp tục xâm phạm không phận Afghanistan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN