Trận quyết đấu căng thẳng, đầy kịch tính đã được đẩy tới tận cùng trước khi kết thúc. Với kết quả kiểm phiếu cuối cùng, theo công bố của Bộ Nội vụ Pháp, ông François Hollande đã giành được 51,67% số phiếu ủng hộ trước Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy chỉ được 48,33% số phiếu trong cuộc bỏ phiếu vòng hai ngày 6/5/2012.
31 năm kể từ ngày 10/5/1981, thời điểm cánh tả Pháp ăn mừng ông François Mitterrand trở thành tổng thống đầu tiên của đảng Xã hội (PS) dưới nền Cộng hòa thứ 5 của Pháp, Quảng trường Bastille ở trung tâm thủ đô Pari mới có dịp thức trắng đêm ăn mừng chiến thắng trong tiếng hò reo, cổ vũ của hàng chục nghìn người ủng hộ tân Tổng thống Hollande trong bầu không khí âm nhạc, lễ hội sôi động với sự chứng kiến của nhiều chính khách tên tuổi của PS và cánh tả Pháp.
Tổng thống mới đắc cử François Hollande phát biểu sau khi giành chiến thắng. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Với nhiệm kỳ 5 năm, khoảng thời gian đủ để người dân Pháp xem xét và đánh giá những gì ông Hollande đã cam kết trong cương lĩnh tranh cử và sẽ thực hiện trong thời gian cầm quyền. Ngay trong bài diễn văn đầu tiên, ông Hollande tuyên bố: “Tôi cam kết phụng sự đất nước với thái độ tận tụy và gương mẫu”. Xúc động với trách nhiệm vừa được người dân Pháp giao phó, ông Hollande bày tỏ “đó là cảm xúc của niềm tự hào, của phẩm giá và của trách nhiệm”. Ông nói sẽ là tổng thống của mọi người dân trong một quốc gia đoàn kết có chung một số phận. Ông Hollande đã đưa ra hai cam kết cơ bản trong nhiệm kỳ của mình để người dân theo dõi và giám sát, đó là các ưu tiên cho công lý, công bằng và ưu tiên cho thế hệ trẻ.
Những thách thức với tân Tổng thống
Với ông Hollande, 6/5 là một ngày lịch sử trong sự nghiệp chính trị của ông. Ngay cả khi cánh cửa Điện Elysée đã rộng mở, ngoài niềm vui chiến thắng, chủ nhân mới của khu dinh thự cổ kính này sẽ phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và dẫn dắt nước Pháp với nhiều thách thức, khó khăn và trách nhiệm nặng nề.
Tân Tổng thống Hollande (57 tuổi) gia nhập PS năm 1979, trở thành ứng cử viên tổng thống Pháp năm 2012 sau cuộc bầu cử sơ bộ của PS tháng 10/2011. Là cựu sinh viên Trường Hành chính quốc gia (ENA, một trường lớn, nơi góp phần đào tạo nhiều chính khách, quan chức chính quyền của Pháp), khóa Voltaire năm 1980, cùng khóa với người bạn đời trước đây, cựu ứng cử viên Tổng thống, bà Ségolène Royal và cựu Thủ tướng Dominique de Villepin, ông Hollande còn sở hữu những tấm bằng danh giá của các trường lớn khác ở Pháp như Học viện Thương mại Pari, Học viện Khoa học chính trị. Con đường chính trị của ông Hollande tuần tự tiến trên từng nấc thang khi trở thành cố vấn về các vấn đề kinh tế của Tổng thống Mitterrand. Lãnh đạo PS trong vòng 11 năm (1997 - 2008), mặc dù chưa từng kinh qua một cương vị bộ trưởng nào trong chính quyền, song ông Hollande được xem là người của sự đồng thuận trong nội bộ PS.
Trên lĩnh vực đối nội, nhiệm vụ trước mắt đối với tân Tổng thống Hollande là việc lựa chọn, định hình một chính phủ đoàn kết mới với thủ tướng và các vị bộ trưởng đủ năng lực để dẫn dắt nước Pháp vượt qua chặng đường khó khăn hiện nay, tạo động lực đưa châu Âu vượt qua khủng hoảng. Các chương trình kinh tế - xã hội ngắn, trung và dài hạn sẽ được đề ra và triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức mua, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng số lượng việc làm mới cho lớp trẻ, kiểm soát chặt chẽ vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách. Đặc biệt, ông Hollande sẽ phải nỗ lực tạo ra 150.000 việc làm mới, trong đó 100.000 việc làm được tạo ra trong năm đầu tiên kể từ khi luật về việc làm mới có hiệu lực.
Để bắt đầu nhiệm kỳ của mình, ông Hollande đã chuẩn bị một chương trình nghị sự ngay từ khi chiến dịch tranh cử chưa kết thúc. Ngày 15/5 ông Hollande sẽ làm lễ nhậm chức và thành lập chính phủ mới; ngày 17/5, Pháp phải hoàn thành thủ tục vay trung hạn 12 tỷ euro của các thị trường để phục vụ các nhu cầu chi tiêu công.
Ông Hollande cũng đã đề ra các biện pháp giải quyết các yêu cầu cấp thiết trong thời gian trước mắt, cụ thể là một lịch trình “3 giai đoạn”, kéo dài đến tháng 6/2013 với 35 biện pháp. Biện pháp đầu tiên mà ông Hollande thực hiện là giảm 30% tiền lương của nguyên thủ nhà nước và thành viên trong chính phủ. Tiếp theo, đến trước ngày 29/6, chính phủ mới phải ra sắc lệnh quyết định hãm giá xăng, nhiên liệu trong 3 tháng; sửa đổi luật hưu trí; ra sắc lệnh quy định tiền thưởng tối đa tại các xí nghiệp... Từ đầu tháng 7/2012 - 2/8/2012, chính phủ mới sẽ tiến hành các biện pháp theo dự kiến trong thời gian diễn ra cuộc họp của Nghị viện Pháp, gồm giới thiệu dự luật về kế hoạch hóa tài chính vì mục tiêu tái lập cân bằng ngân sách vào năm 2017; cải cách chế độ thuế và lập thang thuế 75% đối với các thu nhập từ một triệu euro trở lên mỗi năm... Cuối cùng, trong thời gian từ tháng 8/2012 đến tháng 6/2013, ông Hollande sẽ hiện thực hóa một số cam kết mà ông coi là một trục tranh cử của mình, trong đó có việc thông qua các bộ luật như Luật phát triển kinh tế - xã hội; Luật định hướng và kế hoạch hóa giáo dục quốc gia; Luật tiếp cận nhà ở; Luật hôn nhân và nhận con nuôi, và Luật thu phí về điện, nước, khí đốt.
Trên lĩnh vực đối ngoại, chiến thắng của ông Hollande sẽ có tác động đối với chính sách của EU khi ông mong muốn EU có một chiến lược thực sự hỗ trợ tăng trưởng. Ông dự định điểm đến đầu tiên trong hoạt động đối ngoại là Đức, nơi ông muốn cùng Thủ tướng Angela Merkel thương lượng lại về Hiệp ước ngân sách châu Âu nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khối. Và sau đó là những chuyến thăm, làm việc với các đối tác, đồng minh lớn ở châu Âu, với Mỹ, Nga, Trung Quốc.
Một điều có thể dự đoán là đường lối đối ngoại của Pháp trong thời gian tới sẽ cân bằng hơn đúng như những gì ông Ôlăngđơ đã cam kết và thể hiện trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua.
Mong muốn trở thành một “tổng thống bình thường” như nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, chắc chắn ông Hollande đang được người dân Pháp đặt nhiều kỳ vọng vào sự thay đổi, mang lại một diện mạo khả dĩ hơn cho nước Pháp trên cả bình diện đối nội và đối ngoại.
Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)