Phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh dẫn thông cáo của WFP nhấn mạnh, trong khi Mỹ Latinh và Caribe còn đang trầy trật khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, số người sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn nửa triệu người trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022. Tổ chức này nhấn mạnh, xung đột ở Ukraine đã khiến giá nguyên liệu và năng lượng tăng vọt. Lạm phát lương thực trở thành mối đe dọa đối với các nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu ngũ cốc trong khu vực. Các quốc đảo Caribe, vốn phải nhập khẩu phần lớn lương thực để đáp ứng nhu cầu trong nước, sẽ chịu ảnh hưởng khi chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường biển gia tăng.
Bên cạnh đó, WFP cảnh báo giá lương thực và nhiên liệu tăng cũng đẩy chi phí hoạt động của tổ chức này ở khu vực tăng theo. Tổ chức chuyên thu mua gạo, đậu đen, đậu lăng và dầu thực vật ở Mỹ Latinh và Caribe cho biết, chi phí trung bình cho mỗi tấn của 4 mặt hàng cơ bản này đã tăng 27% trong 4 tháng đầu năm nay và 111% trong giai đoạn từ tháng 1/2019 đến tháng 4/2022.
Theo WFP, việc chuyển tiền mặt tới các nhóm dân cư dễ bị tổn thương cũng bị ảnh hưởng. Giám đốc WFP tại Mỹ Latinh và Caribe, Lola Castro cho biết dòng tài chính nhân đạo của tổ chức đã bị “kéo căng tới mức giới hạn” trong một năm có nhu cầu cao chưa từng có. Bà Castro nhấn mạnh rằng trong khi số người bị mất an ninh lương thực tiếp tục gia tăng, khoảng cách giữa nhu cầu tài chính và khả năng của các nguồn lực sẵn có lại không ngừng nới rộng. Quan chức này ước tính WFP sẽ cần khẩn cấp 315 triệu USD để trang trải chi phí hoạt động trên toàn khu vực trong 6 tháng tới và cảnh báo hàng triệu người có thể rơi vào cảnh đói nghèo nếu xung đột tiếp diễn.
Một mối lo ngại khác là mùa mưa bão trên Đại Tây Dương đang đến gần, dự báo sẽ có cường độ lớn hơn bình thường và đe dọa đẩy thêm nhiều người vào cảnh mất an ninh lương thực.