Nguyên tắc hoạt động của vũ khí xung điện từ là khi phát nổ sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn khiến hiệu điện thế vọt nhanh, nhiều thiết bị điện trở nên vô dụng, nhằm mục đích phá hủy khả năng tình báo và giám sát, hệ thống máy tính và liên lạc, điều khiển, chỉ huy của đối phương mà không làm bị thương người hay các cơ sở hạ tầng.
Một thiết bị hạt nhân phát nổ ở độ cao 30-400 km so với mặt đất có thể vô hiệu hóa gần như toàn bộ các thiết bị điện trong tầm ảnh hưởng, bao gồm máy tính, mạng lưới điện và hệ thống liên lạc. Các chuyên gia cho rằng phải mất vài năm thì hệ thống điện mới trở lại bình thường.
“Cứ 10 người Mỹ thì có 9 người thiệt mạng do nạn đói, bệnh dịch và xã hội sụp đổ. Nước Mỹ sẽ không còn tồn tại nữa”, báo cáo từ Ủy ban Đánh giá Mối đe dọa Vũ khí xung điện từ (EMP) đối với Mỹ cho hay.
Trả lời phỏng vấn báo Washington Examiner, tác giả của báo cáo - chuyên gia Peter Vincent Pry giải thích: “Cuộc chiến mới sẽ sử dụng virus tấn công mạng, can thiệp máy tính, vũ khí xung điện từ phi hạt nhân và tấn công EMP hạt nhân nhắm vào các cơ sở hạ tầng điện tử quan trọng. Nó vô hiệu hóa lực lượng không quân, hải quân và lục quân hiện đại. Nó mở đường cho các nước nhỏ và khủng bố kích động một cuộc chiến không cân sức”.
Vị chuyên gia này trình bày một kịch bản "Chiến tranh thế giới EMP" nơi tất cả các quốc gia có kế hoạch tác chiến EMP như Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, thậm chí là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tham gia nhằm tấn công Mỹ, Châu Âu và Israel.
Theo ông Anthony Furey – tác giả của cuốn sách có tựa đề “Tấn công xung điện từ: Câu chuyện thực sự phía sau thứ vũ khí bí mật có thể phá hủy Bắc Mỹ” đồng thời là nghiên cứu viên tại Viện chiến lược True North Initiative (Canada), hiện hệ thống điện Bắc Mỹ không được trang bị để tự bảo vệ trước một cuộc tấn công xung điện từ.
Chuyên gia Pry cảnh báo Mỹ dễ dàng là mục tiêu trong cuộc chiến đó bởi vì hầu như tất cả mọi hoạt động, bao gồm quân sự và dân sự, đều phụ thuộc vào máy tính, thậm chí Lầu Năm Góc cũng sử dụng đường truyền Internet dân sự. "Chúng ta là một xã hội tiên tiến nhất về công nghệ đồng thời cũng dễ bị tấn công nhất", chuyên gia Pry nói. "Rất khó để dự đoán hệ thống điện tử nào sẽ bị đảo lộn, hư hỏng hoặc bị phá hủy bởi một cuộc tấn công EMP. EMP tạo ra sức mạnh hủy diệt tương đương hành động ném bom hoặc phóng đạn pháo. Phương án đó gây ra thiệt hại ngẫu nhiên lớn và khó nắm bắt”.