Theo nghiên cứu trên, chỉ trong năm 2019 và 2020, diện tích rừng bị thiêu rụi ở vùng Siberia xa xôi thuộc khu vực Bắc Cực của Nga tương đương 50% tổng diện tích rừng bị thiêu rụi trong 40 năm trước đó. Các nhà khoa học ước tính những đám cháy rừng trong 2 năm đó đã tạo ra khoảng 150 triệu tấn carbon vào bầu khí quyển, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu.
Ông David Gaveau, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết nhiệt độ ở Siberia đang tăng nhanh hơn 4 lần so với phần còn lại của Trái Đất và chính điều này là nguyên nhân gây ra những đám cháy rừng bất thường ở Siberia.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích những hình ảnh vệ tinh để xác định diện tích rừng bị cháy mỗi năm ở Siberia, khu vực có diện tích gấp 5,5 lần diện tích nước Pháp, trong giai đoạn từ năm 1982 đến năm 2020. Các nhà khoa học kết luận vào năm 2020, cháy rừng đã thiêu rụi hơn 2,5 triệu ha và tạo ra lượng khí thải tương đương lượng khí thải của Tây Ban Nha tạo ra trong một năm.
Năm 2020, nhiệt độ trung bình vào mùa hè ở Siberia cao gấp 3 lần so với năm 1980, trong đó nhiệt độ ghi nhận ở thành phố Verkhoyansk có lúc đạt 38 độ C - mức cao chưa từng thấy đối với Bắc Cực. Cũng trong giai đoạn nghiên cứu, có 4 lần nhiệt độ trung bình vào mùa hè (từ tháng 6 - 8) tăng cao hơn 10 độ C, cụ thể vào các năm 2001, 2018, 2019 và 2020. Đây cũng là những năm bùng phát cháy rừng nhiều nhất. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng mức tăng nhiệt độ đến 10 độ C so với trung bình sẽ lặp lại ngày càng thường xuyên hơn.
Đất đóng băng ở Bắc Cực lưu trữ một lượng lớn carbon hữu cơ, phần lớn ở các vùng đất than bùn. Khí hậu ấm lên làm tan băng và làm khô đất than bùn, khiến cháy rừng ở Bắc Cực dễ bùng phát hơn, từ đó giải phóng nhiều carbon bị mắc kẹt trong hàng thế kỷ hơn. Ông Gaveau cho biết điều này có nghĩa các bể chứa carbon có thể trở thành các nguồn phát thải carbon và đây thực sự là vấn đề gây quan ngại.