Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu với phóng viên sau cuộc gặp Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, ông Maas nhấn mạnh "các cánh cửa cũng không nên khép kín, trong bối cảnh diễn biến tình hình tại Mỹ". Ông Maas không nêu cụ thể các hành động đơn phương đó, nhưng văn phòng Bộ Ngoại giao Đức ngày 16/11 đã chỉ trích việc Israel mời thầu xây dựng nhà ở định cư mới tại Đông Jerusalem là "một bước đi gửi tín hiệu sai lầm tại thời điểm sai lầm". Về phần mình, Ngoại trưởng Palestine cho rằng nếu ông Joe Biden thắng cử ở Mỹ sẽ tạo "một cơ hội và chúng tôi muốn tận dụng cơ hội này để thực sự mở ra một trang mới".
Trong một phản ứng liên quan, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về quyết định của các nhà chức trách Israel tổ chức mời thầu xây dựng 1.257 đơn vị nhà ở định cư mới tại Đông Jerusalem, khẳng định việc này vi phạm các nghị quyết quốc tế. Thông báo của Bộ trên nêu rõ: "Vương quốc Saudi Arabia lên án và phản đối động thái vi phạm các nghị quyết quốc tế này".
Trước đó, Cơ quan quản lý đất đai Israel (ILA) đã đăng tải trên trang web của mình một thông báo mời đấu thầu xây dựng 1.257 đơn vị nhà ở tại Givat Hamatos, một khu định cư tại Jerusalem. Thời hạn cuối cho nộp hồ sơ là ngày 18/1/2021. Khu vực Givat Hamatos nằm ở vị trí nối giữa Đông Jerusalem và Bờ Tây, là một khu vực nhạy cảm, nơi Israel chiếm giữ trong cuộc chiến năm 1967 và không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Theo báo cáo hồi tháng 10 vừa qua của tổ chức giám sát Peace Now, trong năm 2020 Israel đã phê duyệt xây dựng 12.159 nhà định cư tại Bờ Tây - số lượng nhiều nhất kể từ khi tổ chức phi chính phủ này bắt đầu thống kê vào năm 2012. Peace Now cho rằng việc xây thêm nhà định cư Do Thái là dấu hiệu Israel bác bỏ Nhà nước Palestine, và là đòn giáng vào hy vọng về một nền hòa bình rộng hơn giữa Israel với thế giới Arab.