Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, tiến trình đàm phán giữa Israel và Palestine đã bế tắc trong nhiều năm qua. Lần gần nhất hai bên gặp nhau trên bàn đàm phán là năm 2014 và kết thúc thất bại. Cựu Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel, Alon Liel cho rằng thế bế tắc này khiến người dân cho rằng đàm phán là không thực tế. Sự nghi kỵ ngày càng gia tăng giữa hai bên và rất khó để nói đến việc nối lại đàm phán mà không có các bước đi cụ thể có ý nghĩa được cả hai bên tiến hành.
Sự nghi kỵ song hành với những vấn đề phức tạp bên trong nội bộ Palestine, trong đó Phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza, trong khi Phong trào Fatah do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo, kiểm soát các vùng lãnh thổ Palestine tại Bờ Tây.
Khi cuộc bầu cử ngày 2/3 đang đến gần, việc gần đây bùng phát bạo lực giữa Israel và Palestine tại Gaza đã đưa cuộc xung đột này trở thành chủ đề tranh luận hàng đầu. Trước đây, chính giới Israel có truyền thống chia thành cánh hữu và cánh tả. Cánh tả ủng hộ trả lại các vùng lãnh thổ của người Palestine tại Bờ Tây hiện đang bị Israel kiểm soát để đổi lấy chấm dứt bạo lực.
Trong khi đó, cánh hữu chủ trương chống lại mọi sự nhượng bộ lãnh thổ, cho rằng đất mà người Palestine đòi hỏi cho nhà nước trong tương lai là "có lịch sử thuộc về Do Thái" và không nên trao cho bất kỳ người nào khác. Tuy nhiên, ngày nay các khối chính trị đã có sự khác biệt khi một khối ủng hộ sáp nhập, khối còn lại ủng hộ giữ nguyên trạng. Giải pháp hai nhà nước từng được xem là giải pháp duy nhất giải quyết xung đột đã gần như "bất khả thi".
Viện Dân chủ Israel và Đại học Tel Aviv đã theo dõi quan điểm của công chúng Israel về xung đột Israel-Palestine từ năm 1994. Trong cuộc thăm dò gần đây nhất được thực hiện vào tháng 1 vừa qua, sau khi công bố thời điểm tiến hành bầu cử lần ba và Mỹ công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, 45% số người dân Israel được hỏi tin rằng Israel nên công nhận một nhà nước Palestine độc lập, trong đó những người ủng hộ cánh hữu có tỷ lệ ủng hộ còn thấp hơn.
Trong những năm qua, bản đồ chính trị tại Israel đang dần thay đổi với việc cánh tả suy yếu. Cánh tả trước đây được ủng hộ vì đàm phán với Palestine nhằm mục đích thành lập một nhà nước Palestine, nhưng nay đã lung lay. Cánh tả hiện có đại diện là liên minh các đảng Labor-Gesher-Meretz. Các đảng này có khả năng tối đa giành được 10/120 ghế trong Quốc hội Israel.
Đảng đối thủ chính của Thủ tướng Benjamin Netanyahu là đảng Xanh-Trắng không phản đối ông Netanyahu khi bàn luận đến xung đột Israel-Palestine. Các ứng cử viên của đảng Xanh-Trắng, nhiều người là cựu tướng lĩnh, xuất phát từ cánh hữu trong bản đồ chính trị và kêu gọi củng cố các khu định cư tại Bờ Tây và không đề cập đến một nhà nước Palestine trên thực tế. Đảng này từng được xem là cánh tả, nhưng nay đã tự nhận là trung dung.