Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết công chúng phần lớn đều bối rối không hiểu rõ ngọn nguồn gây ra vụ việc và lo ngại có khả năng xảy ra hiểu lầm. Ngoài ra lý do Mỹ điều đội tàu tác chiến sân bay và máy bay ném bom chiến lược B-52 tới khu vực cũng khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi.
Về việc điều động tàu sân bay đến khu vực, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã trực tiếp nhắc đến Iran và khẳng định động thái này là thông điệp gửi tới Tehran.
UAE tuyên bố 4 tàu chở dầu bị tấn công ngoài khơi quốc gia này (2 tàu của Na Uy và 2 tàu thuộc Saudi Arabia) và là nạn nhân của “chiến dịch phá hoại”. Ngày 13/5, thông tin về vụ việc được làm rõ hơn với hình ảnh tàu chở dầu của Na Uy “dính” lỗ thủng ở thân. Sang đến ngày 14/5, chưa có câu trả lời rõ ràng nhưng vẫn tồn tại nhiều câu hỏi về “thương tích” của 3 tàu chở dầu còn lại cũng như thủ phạm của chiến dịch phá hoại này.
Nghi ngờ đổ dồn về Iran, vốn có mối quan hệ nhiều căng thẳng với Saudi Arabia và UAE. Dù tới nay chưa có khẳng định chính thức nào.
Nhà phân tích Becca Wasser tại tập đoàn RAND (Mỹ) đánh giá: “Iran có thể coi những diễn biến này là nguy cơ gia tăng hành động khiêu khích. Điều này đồng thời vô tình đẩy căng thẳng leo thang. Bởi vì Mỹ và Iran không có kênh liên lạc chính thức ở thời điểm này, mọi điều đề có thể bị nhìn nhận khá khác biệt ở mỗi phía. Những điều thực chất chỉ là một vấn đề nhỏ có thể trở thành điều to lớn và nghiêm trọng hơn nhiều”.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt gần đây cho biết "chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ vô tình xảy ra xung đột gây leo theo lang căng thẳng ngoài ý muốn từ các phía”. Mối đe dọa mà ông Hunt đề cập đến ở đây chính là nguy cơ xung đột Mỹ-Iran.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, Mỹ đã gia tăng áp lực lên Iran, tái ban hành lệnh trừng phạt. Gần đây, Tổng thống Mỹ còn liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế và chấm dứt lệnh miễn trừ đối với một số nước còn nhập khẩu dầu thô của Iran.
Iran “kỷ niệm” một năm sự kiện Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bằng việc tuyên bố Tehran cũng khởi động rút một phần khỏi thỏa thuận này. Iran đặt thời hạn 60 ngày để châu Âu đưa ra thỏa thuận hiệu quả hơn trước khi Tehran bắt tay vào làm giàu urani ở mức độ cao hơn.
Ngoài ra, Iran từng cảnh cáo đóng cửa Eo biển Hormuz – tuyến vận tải hàng hải quan trọng - nếu quốc gia này không thể bán dầu. AP cho biết 1/3 số dầu thương mại vận chuyển trên biển đều di chuyển qua Eo Hormuz. Do vậy, Saudi Arabia đã tìm phương án thay thế bằng việc phát triển cảng Fujairah và dựng đường ống dẫn dầu. Tuy nhiên, ngày 14/5 Saudi Arabia cho biết máy bay không người lái (UAV) đã tấn công nhằm vào trạm bơm dầu đưa "vàng đen" vào ống dẫn dầu từ tỉnh phía Đông tới cảng Yanbu ở Biển Đỏ. Giá dầu trong phiên giao dịch ngày 14/5 lập tức tăng vọt sau thông tin này.
Tổng thống Trump cùng ngày 14/5 bác bỏ thông tin tờ New York Times đưa rằng quan chức Mỹ bàn luận về kế hoạch cử 120.000 binh sĩ tới Trung Đông. Về phần mình, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cũng nêu rõ: “Cả chúng tôi và họ đều không muốn chiến tranh. Mỹ biết rằng điều này chẳng đem lại lợi ích gì”.