Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu phát biểu tại cuộc họp báo ở Ankara ngày 5/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có quan hệ mật thiết với Qatar trong lĩnh vực năng lượng, tuy nhiên vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác tại vùng Vịnh. Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu nêu rõ: “Các diễn biến hiện nay khiến tất cả chúng tôi đều rất buồn. Giữa các nước có thể có một số khúc mắc, song đối thoại phải là giải pháp tiên quyết trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Ông đồng thời tuyên bố Ankara sẵn sàng làm mọi điều có thể để giúp "tháo ngòi nổ" căng thẳng giữa Qatar và các quốc gia trong khu vực, cũng như giải quyết các vấn đề một cách hòa bình.
Trong một động thái tương tự, Bộ Ngoại giao Iran ngày 5/6 cũng đã hối thúc Qatar và các quốc gia láng giềng tại vùng Vịnh cùng ngồi vào bàn đàm phán để tháo gỡ những khúc mắc hiện nay.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Bahram Ghasemi nêu rõ đối thoại là giải pháp duy nhất cho những bất đồng hiện nay giữa Qatar và các nước láng giềng. Phía Iran cũng cho rằng việc các nước trong khu vực cắt quan hệ ngoại giao và cô lập Qatar sẽ không giúp Saudi Arabia và các nước đồng minh giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng.
Cũng trong ngày 5/6, trả lời báo giới về nhận định của Nga trước việc một loạt nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc duy trì tình hình “ổn định và hòa bình” tại vùng Vịnh cũng là lợi ích của Moskva. Theo ông Peskov, Moskva hy vọng căng thẳng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh sẽ không ảnh hưởng tới quyết tâm trong cuộc chiến chung chống “chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.
Hiện Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Yemen, Libya và Maldives đã "nối gót" Saudi Arabia và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc gia giàu khí đốt Qatar, sau khi Riyadh cáo buộc Doha ủng hộ chủ nghĩa cực đoan "nhằm mục đích gây mất ổn định trong khu vực". Qatar đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng "đây là lời buộc tội không công bằng và thiếu căn cứ".
Trong một diễn biến mới nhất, Qatar đã yêu cầu công dân nước này rời khỏi UAE trong vòng 14 ngày tới, chiểu theo quyết định cắt quan hệ ngoại giao của Dubai đối với Doha. Chính phủ Qatar khuyến cáo những công dân của nước này có thể quá cảnh tại Kuwait hoặc Oman nêu không thể bay trực tiếp tới Doha.
Trước đó, hãng hàng không Emirates có trụ sở ở Dubai thông báo sẽ đình chỉ các chuyến bay tới Qatar; hãng hàng không FlyDubai thông báo sẽ ngừng khai thác chặng bay tới Doha; trong khi hãng hàng không Etihad Airways của UAE cũng đưa ra quyết định tương tự.
Trong khi đó, Cơ quan hàng không dân dụng Saudi Arabia cũng tuyên bố cấm các máy bay của Qatar quá cảnh tại các sân bay của nước này. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 5/6, và áp dụng cả với những máy bay thương mại hay máy bay tư nhân có đăng ký ở Saudi Arabia thực hiện các chuyến bay thẳng hoặc gián tiếp tới Qatar. Lệnh cấm này được đưa ra sau khi Chính phủ Riyadh tuyên bố đóng cửa biên giới đối với Qatar, kể cả trên đất liền lẫn không phận.