Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức khẳng định các nhân viên nước này đã làm đúng phận sự khi theo dõi các diễn biến tại Nga thông qua phương thức hợp phá và việc Nga trục xuất 3 nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) là không thể biện minh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nêu rõ Stockholm đã thông báo cho Đại sứ Nga tại nước này về việc một nhân viên của đại sứ quán được yêu cầu rời Thụy Điển. Trên mạng Twitter, bà Linde nhấn mạnh đây là phản ứng rõ ràng của Stockholm trước việc Nga quyết định trục xuất nhà ngoại giao Thụy Điển.
Về phần mình, Bộ ngoại giao Ba Lan phản đối việc Nga trục xuất nhà ngoại giao nước này khỏi Saint Petersburg, đồng thời tuyên bố "không hoan nghênh" một quan chức của Lãnh sự Nga ở Poznan.
Phản ứng trước các động thái trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đánh giá các quyết định của Đức, Thụy Điển và Ba Lan là thiếu cơ sở, không thân thiện và nằm trong loạt hành động của phương Tây mà Moskva coi là can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này.
Trước đó, Nga đã tuyên bố 3 nhân viên ngoại giao EU là nhân vật không được hoan nghênh. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định đây là hệ quả từ loạt hành động của một số phái bộ ngoại giao tại Moskva. Tuy nhiên, người phát ngôn nhấn mạnh Nga vẫn quan tâm đến việc phục hồi quan hệ với EU.