Nga khuyến cáo EU phải chịu trách nhiệm nếu quan hệ đổ vỡ

Ngày 8/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã khuyến cáo Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell rằng EU sẽ phải gánh trách nhiệm nếu quan hệ song phương sụp đổ.

Chú thích ảnh
Đại diện Cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) tại cuộc họp báo ở Moskva ngày 5/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: “Trong cuộc hội đàm với ông Josep Borrell tại Moskva, tôi đã nói về tầm quan trọng của việc xây dựng các mối quan hệ Nga-EU trên nguyên tắc có tính hệ thống. Tôi phải nhắc lại rằng vào năm 2014 EU đã hủy hoại cấu trúc quan hệ toàn diện vốn phải vun đắp nhiều năm với Nga”.

Tuyên bố trên được đưa ra khi Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell vừa có chuyến thăm tới Nga từ ngày 2-6/2. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Đại diện cấp cao EU tới Nga kể từ năm 2017.

Trong diễn biến liên quan, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bảo vệ hành động của nước này khi trục xuất 3 nhà ngoại giao Đức, Ba Lan và Thụy Điển vì tham gia vào các cuộc biểu tình bất hợp pháp.

Phát biểu trên truyền hình, phát ngôn viên Zakharova nêu rõ: “Thật đáng tiếc, chúng tôi đã buộc phải hành động và trục xuất các nhà ngoại giao 3 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vì tham gia vào các sự kiện không được cho phép”.

Hôm 6/2, ba nhà ngoại giao nói trên đã bị xem là “nhân vật không được hoan nghênh” và bị buộc phải rời khỏi Nga sau khi Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc họ tham gia các cuộc biểu tình ngày 23/1.

Trong động thái nhằm trả đũa quyết định của Nga, ngày 8/2, Thụy Điển, Ba Lan và Đức cũng đã trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi ba nước này. Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố cho biết một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Berlin là “nhân vật không được hoan nghênh” và phải rời khỏi Đức. Trong khi Ba Lan thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Nga tại Tổng lãnh sự quán ở Poznan. Thụy Điển có hành động tương tự.

Điện Kremlin ngày 8/2 đã bảo vệ việc trục xuất các nhà ngoại giao EU. Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay việc trục xuất 3 nhà ngoại giao nói trên là "hệ quả từ các hành động của một số phái bộ ngoại giao ở EU ở Moskva và Nga sẽ không nhân nhượng cho hành động đó". Tuy nhiên, ông khẳng định Moskva vẫn quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với Brussels.

Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 8/2 cho biết, Chủ tịch ủy ban này Ursula von der Leyen hoàn toàn tin tưởng vào Đại diện Cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, bất chấp chuyến công du khó khăn tới Moskva.

Phát biểu họp báo thường kỳ, một người phát ngôn của EC nói: "Cách tổ chức chuyến thăm, cách cuộc họp báo diễn ra, những gì (Ngoại trưởng Nga) ông Lavrov nói, những gì Nga đã làm với các nhà ngoại giao châu Âu trong cùng ngày, cho thấy một dấu hiệu rất rõ ràng về con đường Nga muốn đi".

Quan hệ giữa Nga và EU đã trở nên "lạnh giá" sau sự kiện Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập trở lại bán đảo Crimea vào năm 2014. EU đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga, trong khi Nga cũng đáp trả bằng lệnh cấm nhập khẩu nhiều nông sản của EU, gây thiệt hại rất lớn cho khối này. Hai bên hiện cũng đang căng thẳng liên quan đến việc Nga xử tù nhân vật đối lập nhiều tai tiếng Alexei Navalny.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Bên trong cuộc chiến giành vaccine ngừa COVID-19 của EU

Trong một cuộc họp tuần trước tại tòa nhà Europa ở Brussels, các nhà ngoại giao đại diện cho 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) rơi vào bế tắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN