Canada xác nhận công dân thứ hai bị Trung Quốc thẩm vấn đã mất tích

Chính phủ Canada xác nhận đang tìm kiếm ông Michael Spavor, công dân thứ hai của nước này bị thẩm vấn tại Trung Quốc, và được cho là mất tích sau cuộc liên lạc gần đây nhất của ông với các nhà chức trách Canada.

Chú thích ảnh
 Ông Michael Spavor trong một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: channelnewsasia.com

Ngày 12/12, hãng tin Pháp AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Canada Guillaume Berube cho hay giới chức Ottawa đã được thông báo về sự việc trên. Trong thư điện tử gửi AFP, Bộ Ngoại giao Canada nêu rõ nước này đã không liên lạc được với ông Spavor kể từ khi ông thông báo về việc bị giới chức Trung Quốc thẩm vấn. Bức thư cũng nhấn mạnh Ottawa đang nỗ lực tìm kiếm công dân Spavor và đã nêu vấn đề trên với Chính phủ Trung Quốc.

Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết ông Spavor sống tại Trung Quốc, nơi ông điều hành Paektu Cultural Exchange, một tổ chức chuyên lên kế hoạch cho các chuyến đi tới Triều Tiên của du khách và giới thể thao. Ông trở nên khá nổi tiếng sau khi tổ chức được chuyến thăm Triều Tiên của ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman. Ông Spavor cũng đã có cơ hội gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong sự kiện này. Thông tin ông Spavor bị mất tích được xác nhận chỉ vài ngày sau khi một cựu quan chức ngoại giao của Canada là Michael Kovrig bị bắt trong chuyến đi tới Bắc Kinh.

Cùng ngày, hãng tin Anh Reuters dẫn trang thông tin của chính quyền tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, cho hay cơ quan chức năng nước này đang điều tra công dân Canada Spavor, bị tình nghi có các hoạt động đe dọa tổn hại đến an ninh quốc gia. Theo thông tin trên, Sở Công an thành phố Đan Đông đã mở cuộc điều tra ông Spavor từ ngày 10/12 vừa qua, song không cung cấp thêm thông tin. 

Việc hai công dân Canada - một bị bắt giữ và một được cho là mất tích tại Trung Quốc - xảy ra hơn một tuần sau khi giới chức Canada bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của phía Mỹ. Trung Quốc đã yêu cầu Canada sửa chữa sai lầm và ngay lập tức thả bà Mạnh Vãn Chu nếu không sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng. Canada tuyên bố vụ bắt bà Mạnh Vãn Chu không có động cơ chính trị, đồng thời khẳng định tính độc lập của cơ quan tư pháp nước này.

Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Vancouver, Canada ngày 1/12 khi đang quá cảnh tại đây. Tại phiên tòa diễn ra ở Vancouver  ngày 7/12, bà Mạnh Vãn Chu bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận, trong đó có gian lận nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran. CFO của Huawei có thể sẽ phải chịu mức án tù cao nhất là 30 năm với mỗi cáo buộc kể trên. Sau đó, tòa án tỉnh British Columbia của Canada ngày 11/12 đã cho phép bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD (tương đương 7,5 triệu USD) và một số điều kiện khác, như phải đeo vòng giám sát và ở nhà trong khoảng thời gian từ 23h hôm trước đến 6h hôm sau.

Theo các điều khoản của hiệp ước dẫn độ giữa Mỹ và Canada, Mỹ có 60 ngày kể từ ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ để đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Các quan chức của Bộ Tư pháp Canada sẽ có thêm 30 ngày để ra quyết định chính thức về tiến trình dẫn độ. Sau đó, Tòa án tối cao của British Columbia sẽ mở phiên tranh luận về việc dẫn độ. Người bị yêu cầu dẫn độ có thể kháng cáo lên tòa án các cấp cao hơn. Nếu các tòa cấp cao hơn và tòa phúc thẩm thông qua quyết định cho phép dẫn độ, thì Bộ trưởng Tư pháp sẽ ra quyết định về việc này.

Thanh Hương (TTXVN)
Canada mắc kẹt trong cuộc 'đấu trí’ Mỹ-Trung sau vụ bắt giữ CFO Huawei
Canada mắc kẹt trong cuộc 'đấu trí’ Mỹ-Trung sau vụ bắt giữ CFO Huawei

Canada có rất ít lựa chọn khi buộc phải bắt giữ nữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Tập đoàn Viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu. Quốc gia này có hiệp ước dẫn độ với Mỹ, và khi Mỹ yêu cầu, Canada phải làm theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN