Canada: Nhiều thách thức để tăng xuất khẩu LNG sang châu Âu

Trong khuôn khổ chuyến công du Canada, Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 23/8 bày tỏ mong muốn Canada tăng cường xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu, dù thừa nhận việc thiếu cơ sở hạ tầng và các đề án kinh doanh chưa được kiểm chứng đang cản trở việc thúc đẩy nguồn cung này.

Chú thích ảnh
Cơ sở khai thác dầu thô Syncrude ở phía Bắc Fort McMurray, Alberta, Canada. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trước đó, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, khí đốt tự nhiên sẽ phải được vận chuyển bằng đường ống từ các mỏ ở miền Tây Canada đến một cơ sở hóa lỏng (hiện vẫn chưa được xây dựng) trên bờ Đại Tây Dương để cung cấp cho châu Âu. Theo Thủ tướng Trudeau, một dự án như vậy sẽ rất tốn kém và có thể chứng minh là không có lợi về lâu dài, trong bối cảnh châu Âu cam kết nhanh chóng chuyển đổi sang một nền kinh tế sạch hơn. 

Đáng chú ý, ngay cả khi một đề án kinh doanh có thể được triển khai, Đức không có cơ sở hạ tầng để tiếp nhận LNG của Canada. Theo Thủ tướng Scholz, ngay cả khi Đức không nhập khẩu trực tiếp LNG từ Canada, việc Canada và Mỹ tăng lượng LNG đưa vào thị trường toàn cầu đang giúp giảm bớt căng thẳng cho chính phủ Đức, trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt.

Canada đang trong quá trình tăng khả năng xuất khẩu khí đốt tự nhiên lên tương đương 100.000 thùng dầu mỗi ngày vào cuối năm nay, giữa lúc châu Âu cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Thủ tướng Trudeau cho biết Canada đang nỗ lực bổ sung vào nguồn cung năng lượng toàn cầu ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên, mục tiêu của Canada là trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch chủ chốt, như nhiên liệu hydro .

Thủ tướng Trudeau vẫn để ngỏ cánh cửa cho các dự án LNG mới từ bờ biển Đại Tây Dương của Canada, dù nhấn mạnh những khó khăn kinh tế của những dự án như vậy và sẽ mất nhiều năm để hoàn thành, trong khi thế giới đang chạy đua để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Hiện các tập đoàn năng lượng của Đức là Uniper và E.ON đang có kế hoạch hợp tác với EverWind của Canada để mua tổng cộng 1 triệu tấn amoniac xanh mỗi năm từ giữa thập kỷ này, trong khuôn khổ của những nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

Hương Giang (TTXVN)
Các nước chạy đua tích trữ LNG, khiến nhiều quốc gia nghèo thiếu khí đốt 
Các nước chạy đua tích trữ LNG, khiến nhiều quốc gia nghèo thiếu khí đốt 

Khi thị trường năng lượng bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine, Nhật Bản và Hàn Quốc sẵn sàng chi trả nhiều nhất để đảm bảo nguồn cung LNG từ Mỹ và Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN