Canada lo ngại chương trình giám sát Internet của Mỹ

Thói quen lướt Web mỗi ngày của người Canada đang bị đe dọa bởi một chương trình giám sát gây tranh cãi của Mỹ có thể khiến những thông tin cá nhân của họ bị tiết lộ.

Cảnh báo của các chuyên gia an ninh mạng Canada ngày 10/6 cho biết trong những ngày gần đây, một chương trình giám sát Internet được gọi là PRISM do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) điều hành, đã cho phép NSA truy cập vào dữ liệu của 9 nhà cung cấp mạng ở Mỹ bao gồm cả Google và Facebook. Theo các chuyên gia, những người dân Canada hiện đang sử dụng các dịch vụ mạng của Mỹ như Facebook, Google hay Gmail cũng phải chịu sự giám sát của chương trình này và có nguy cơ cao bị tiết lộ những thông tin cá nhân.

Trụ sở cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ. Ảnh: AP


Christopher Soghoian, một chuyên gia an ninh mạng, nói rằng người Canada thực sự cần phải cân nhắc về độ an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ mạng của các công ty nước ngoài. Và trong trường hợp như hiện nay, một công ty Mỹ có thể đang nắm giữ nhiều thông tin cá nhân của khách hàng, sẽ buộc phải cung cấp các dữ liệu cho Chính phủ Mỹ.

Theo ông Soghoian, khi một người cung cấp các thông tin cá nhân, cho dù đó là thư điện tử hoặc hình ảnh cá nhân hay thông tin mạng xã hội cho một nhà cung cấp mạng nước ngoài, người đó có thể sẽ mất quyền kiểm soát và ở một góc độ nào đó có thể xem như là một sự cho phép chính phủ nước ngoài truy cập vào các thông tin cá nhân của họ.

Theo ước tính hiện nay, 90% lưu lượng truy cập mạng của Canada được chuyển qua các máy chủ ở Mỹ. Keith Murphy, một chuyên gia an ninh mạng khác cho biết phần lớn các dữ liệu của người Canada và các hoạt động trực tuyến đang được định tuyến thông qua Mỹ và vì vậy người Canada buộc phải tuân theo các quy định của Mỹ.

David Hyde, chuyên viên cao cấp về an ninh mạng và quản lý các rủi ro, nói rằng kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, Đạo luật Patriot được ban hành cho phép các công ty mạng có thể theo dõi các thư điện tử và mạng xã hội để tìm kiếm những kết nối đáng ngờ và thậm chí cả mạng lưới khủng bố. Và đạo luật này cũng có tác động đến Canada, tuy nhiên, chỉ có Cơ quan An ninh Truyền thông Canada (CSEC) là thực sự có quyền được phép nghe trộm hoặc theo dõi truyền thông trực tuyến.

Theo các chuyên gia, việc triển khai chương trình PRISM, đang làm dấy lên mối lo ngại rằng các thông tin cá nhân của khách hàng truy cập mạng sẽ bị tiết lộ, ngay cả khi họ chỉ sử dụng Facebook, Google hay Gmail.


TTXVN/Tin tức
Đông đảo người Mỹ ủng hộ giám sát đàm thoại
Đông đảo người Mỹ ủng hộ giám sát đàm thoại

Kết quả một điều tra dư luận do Trung tâm Nghiên cứu Pew và tờ "Bưu điện Washington" tiến hành, cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ chương trình của Chính phủ Mỹ ghi âm các cuộc đàm thoại để phát hiện khủng bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN