Theo Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Canada Karina Gould, trong ngân sách trên, 230 triệu CAD dành cho Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) để mua khoảng 3 triệu liều điều trị dựa trên phương pháp điều trị mới bằng kháng nguyên. Canada cũng hỗ trợ thêm 255 triệu CAD cho chương trình mang tên ACT-Accelerator (ACT-A) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có mục tiêu đảm bảo việc phân phối vaccine và các liệu pháp điều trị COVID-19 khác một cách công bằng trên toàn cầu. Chương trình này của WHO hiện cần gấp 4,3 tỷ USD.
Liên quan đến các biện pháp hỗ trợ trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tổ chức từ thiện quốc tế Oxfam ước tính có khoảng 2,7 tỷ người - hơn 30% dân số thế giới - không được nhận trợ cấp chính phủ trong đại dịch. Dựa trên dữ liệu của Ngân hàng thế giới (WB), Oxfam nhận thấy sự khác biệt lớn giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc chi ngân sách hỗ trợ kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Theo đó, 36 quốc gia giàu có đã chi 9.800 tỷ USD để hỗ trợ người dân, trong khi đó 42 tỷ USD là khoản tiền mà 59 nước có thu nhập thấp phân bổ cho hoạt động này. Mức hỗ trợ bình quân đầu người tại các nước giàu là 695 USD, còn ở các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp con số này dao động trong khoảng 4 USD - 28 USD.
Nghiên cứu của Oxfam cũng chỉ ra rằng các quốc gia giàu có nhất chỉ tăng 5,8 tỷ USD tiền hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Giám đốc điều hành Oxfam Gabriela Bucher đánh giá thế giới chỉ đoàn kết trước nỗi sợ virus SARS-CoV-2, nhưng lại chia rẽ trong cách phản ứng với đại dịch. Bà nêu rõ đại dịch COVID-19 đã khởi nguồn cho nỗ lực toàn cầu giúp hơn 1 tỷ người nhận hỗ trợ an sinh xã hội trong năm 2020, nhưng cho tới nay, vẫn có thêm nhiều người hoàn toàn bị bỏ lại phía sau.
Theo Oxfam, trước đại dịch, khoảng 4 tỷ người trên thế giới không được hưởng lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội và WB ước tính chỉ 1,3 tỷ người trong số này nhận được hỗ trợ trong giai đoạn dịch bệnh. Nghiên cứu của Oxfam cũng lưu ý rằng nhiều nước đang phát triển có thể huy động nguồn hỗ trợ phi tài chính, như trợ cấp lương thực, nhưng những hỗ trợ này thường "không đủ" trong các khuôn khổ an sinh xã hội chính thức.
Liên hợp quốc từng cảnh báo, trong năm 2021, cứ 33 người trên thế giới lại có 1 người cần được hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước uống và vệ sinh, tăng 40% so với năm nay.