Trong thông báo, ông Rik Peeperkorn - đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại các vùng lãnh thổ Palestine - cho biết nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại khu vực đông dân này là rất lớn trong bối cảnh "hệ thống y tế đang bị tàn phá trên diện rộng". Ông đánh giá: “Chỉ có 18 trong số 36 bệnh viện ở Dải Gaza duy trì hoạt động một phần, trong khi chỉ có 57 trong số 142 trung tâm chăm sóc sức khỏe đang hoạt động, cùng với 11 bệnh viện dã chiến. Nguồn hàng viện trợ y tế hiện đã bắt đầu tăng lên".
Theo quan chức WHO, tổ chức này đã nhận được 62 xe tải chở hàng cứu trợ y tế và dự kiến có thêm 22 xe nữa trong 48 tiếng tới. Hiện các bệnh viện đã có nhiên liệu để hoạt động. Thời gian tới, WHO sẽ mở rộng năng lực khám chữa bệnh và hy vọng sẽ thiết lập được thêm bệnh viện tiền tuyến trong một tháng nữa ở khu vực phía Bắc của Dải Gaza. Các số liệu cho biết dân số ở Dải Gaza trước khi xảy ra xung đột là vào khoảng 2,4 triệu người. Tuy nhiên, khoảng 90% những người này đã phải di dời, trong đó có nhiều người phải di dời nhiều lần. Ông Peeperkorn ước tính có từ 12.000 - 14.000 người, bao gồm 2.500 trẻ em, cần được sơ tán khỏi Gaza để điều trị khẩn cấp.
Cùng ngày, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo kể từ khi lệnh ngừng bắn được triển khai, khoảng 600 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã vào Dải Gaza mỗi ngày, trong đó có 50 xe chở nhiên liệu. Từ ngày 19 - 28/1, WFP đã cung cấp hơn 10.300 tấn thực phẩm, gấp đôi số lượng được cung cấp trong toàn bộ tháng 12 và gấp 3 so với tháng 10 năm ngoái. WFP cho biết đã chuẩn bị đủ nguồn cung và các đoàn xe đang chờ tại biên giới để Israel thông quan vào Dải Gaza, trong khi cung cấp lương thực cho những người di dời trở về các khu vực phía Bắc.
Đại diện của WFP tại các vùng lãnh thổ Palestine, ông Antoine Renard cho biết cơ quan này muốn đẩy nhanh việc khôi phục các xưởng sản xuất bánh mì để bình ổn giá. Cùng với bánh mì, một số mặt hàng ở Dải Gaza đã tăng giá phi mã so với thời điểm trước khi xảy ra xung đột.
Trong một diễn biết khác, Cơ quan Cứu trợ và việc làm của LHQ cho người tị nạn Palestine (UNRWA) khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động tại các vùng lãnh thổ của Palestine. Trong thông báo đưa ra ngày 31/1, bà Juliette Touma – người phát ngôn của UNRWA – nhấn mạnh vai trò của cơ quan này, khẳng định sứ mệnh quan trọng trong quá trình thúc đẩy viện trợ quốc tế cho Dải Gaza. Bà cũng cảnh báo: “Số phận của lệnh ngừng bắn rất mong manh sẽ bị đe dọa nếu UNRWA không được phép tiếp tục mang và phân phối hàng tiếp tế”.
Tuyên bố của UNRWA được đưa ra sau khi Quốc hội Israel thông qua dự luật cấm cơ quan này hoạt động trên lãnh thổ nước này, bất chấp sự phản đối từ Mỹ, đồng minh chủ chốt của nước này và một số quốc gia châu Âu.