NDC dài 158 trang của Campuchia đã được đưa ra xem xét trước hạn chót ngày 31/12 vừa qua. Bản NDC này bao gồm nhiều nội dung đa dạng về tác động của biến đổi khí hậu và sự thích nghi cũng như nỗ lực của Campuchia so với các quốc gia khác trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thư ký điều hành UNFCCC Patricia Espinosa đã gửi lời chúc mừng Campuchia vì nỗ lực này.
Trong lời tựa của NDC, Bộ trưởng Môi trường và Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững của Campuchia, Say Samal cho biết tài liệu thể hiện trách nhiệm và nhu cầu của Campuchia trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về một xã hội ít khí phát thải và dễ thích nghi trong thập niên tới. Tài liệu được chuẩn bị với sự tham vấn trên phạm vi rộng trong hơn 9 tháng và có sự đóng góp của tất cả các bên liên quan, bao gồm các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, đối tác phát triển, các học viện và khu vực tư nhân.
Ông Say Samal nói rằng Campuchia luôn ủng hộ mạnh mẽ sự phối hợp đa phương về biến đổi khí hậu, vì Campuchia là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Campuchia cũng hiểu tính cấp thiết phải có hành động chống biến đổi khí hậu, phù hợp với khả năng và trách nhiệm của nước này theo UNFCCC.
NDC cập nhật của Campuchia làm rõ một số hướng đi quan trọng, bao gồm các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp và xử lý rác thải, cùng với đó là mục tiêu tham vọng của nước này về giảm một nửa tỷ lệ phá rừng vào năm 2030.
Theo hãng tin AFP của Pháp, vào ngày 1/1/2021, chỉ có khoảng 70 trong gần 200 nước trên thế giới hoàn thành trình bày NDC cập nhật của mỗi nước. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhằm giới hạn nền nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.