Toàn bộ số ca nhiễm mới này (từ 8 tháng tuổi đến 70 tuổi) đều có liên quan tới “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2”, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.968 người, trong đó 1.074 bệnh nhân đã bình phục.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở những khu vực có rủi ro lây nhiễm lớn như Phnom Penh, Kandal và tỉnh Preah Sihanouk.
Phát biểu trong buổi lễ tiếp nhận 1,5 triệu liều vaccine Sinovac (Trung Quốc) được chuyển tới sân bay Phnom Penh, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, bà York Sambath nêu rõ chính phủ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các quan chức chính phủ và người lớn tuổi. Bà York Sambath cũng cho biết ngoài số vaccine Sinovac này, Chính phủ Campuchia có kế hoạch đặt mua thêm 4 triệu liều vaccine Sinovac trong kế hoạch tiêm chủng cho 10 triệu dân của nước này.
Cho đến nay, Campuchia đã tiếp nhận 3 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm 600.000 liều vaccine Sinopharm (từ Trung Quốc vào tháng 2/2021), 324.000 liều vaccine Astra Zeneca (loại do Ấn Độ sản xuất có tên thương hiệu Covishield thông qua cơ chế COVAX vào tháng 3/2021) và 1,5 triệu liều vaccine Sinovac (ngày 26/3).
Trong hơn một năm qua, dịch COVID-19 đã gây những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế Campuchia, mà theo một chuyên gia Bộ Kinh tế-Tài chính nước này ước tính có thể lên tới 250 triệu USD. Trong khi đó, thông báo của Bộ Các vấn đề Xã hội Campuchia cho biết chính phủ đã giải ngân khoảng 291 triệu USD cứu trợ tới 692.092 hộ gia đình nghèo bị tổn thương trong giai đoạn dịch COVID-19. Mỗi hộ nghèo trong chương trình nói trên được trợ cấp 30 USD/tháng.
Khoảng 2,7 triệu người Campuchia đã được hưởng lợi từ chương trình cứu trợ tiền mặt này, trong đó có 341.915 người trên 60 tuổi, 59.962 người tàn tật, 1.973 bệnh nhân mắc HIV/AIDS và 187.520 trẻ em dưới 5 tuổi.