Tờ báo trên dẫn lời ông Neth Pheaktra, một người phát ngôn của Bộ Môi trường Campuchia, cho biết theo một cuộc khảo sát, các nguồn chính làm gia tăng nồng độ hạt trơ trong không khí gồm khí thải từ các nhà máy công nghiệp, phương tiện giao thông sử dụng dầu diesel và các loại nhiên liệu khác, khí thải từ các vụ cháy rừng, đốt đồng cỏ, đốt phế thải nông nghiệp, phát quang rừng, đốt rơm rạ, đốt chất thải rắn ở ngoài trời và tại các bãi chôn lấp, bụi từ các công trường xây dựng. Trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, kết quả khảo sát chất lượng không khí được thực hiện trước đó tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh thành khác cho thấy chất lượng không khí đã xấu đi một cách đáng báo động, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ hạt trơ trong không khí (PMID và PM2.5) cao hơn tiêu chuẩn đề ra, có thể gây rủi ro cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Cũng theo ông Pheaktra, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí, Bộ Môi trường Campuchia áp dụng 5 biện pháp bao gồm ngăn chặn các vụ cháy rừng, cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, dọn sách bụi trên đường và ven đường, giáo dục người dân không đốt rác, chất thải rắn, cỏ, rơm rạ hoặc các chất thải nông nghiệp khác cũng như để phòng cháy rừng. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn người dân và các cơ quan hữu quan tham gia ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách giảm lượng rác thải mà họ đốt ở các vùng nông thôn hoặc tại các trang trại vì tất cả những hành động này sẽ gây ô nhiễm không khí. Chúng tôi cũng yêu cầu người dân không đốt rơm rạ nữa phải chôn loại rác thải này".