Biến thể Omicron đã gây ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 tại Mỹ, với số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao chưa từng có kể từ khi dịch bùng phát. Có nhiều bằng chứng cho thấy độc lực của Omicron thấp hơn so với các biến chủng trước. Vậy tại sao hệ thống bệnh viện tại nhiều khu vực ở Mỹ lại rơi vào tình trạng quá tải?
Phát biểu tại buổi lễ công bố kết quả công trình nghiên cứu của Kaiser Permanente do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại trợ kinh phí, Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết nguy cơ tình trạng bệnh trở nặng ở những người nhiễm Omicron giảm đáng kể so với người mắc biến thể Detla.
Nghiên cứu trên 70.000 ca nhiễm tại South California từ 30/11/2021-1/1/2022 cho thấy tỉ lệ bệnh nhân nhập viện, phải điều trị chăm sóc đặc biệt, thở máy và tử vong đều thấp hơn đáng kể trong làn sóng lây nhiễm Omicron lần này. Thời gian nằm điều trị cũng ngắn hơn. Nhưng mức độ lây lan khủng khiếp của Omicron vẫn khiến số người Mỹ nhập viện gia tăng.
Theo kết quả nghiên cứu của Kaiser, trung bình cứ mỗi 10.000 ca nhiễm Delta, số người mắc có triệu chứng và sau đó phải nhập viện là 110 người. Tỉ lệ này với Omicron chỉ là 16/10.000 ca nhiễm. Tuy nhiên do Omicron có tốc độ lây lan nhanh gấp 3-5 lần so với Delta, nên số người nhiễm cũng cao hơn nhiều so với đỉnh điểm trong làn sóng lây nhiễm Delta hồi tháng 6 vừa qua.
Như trong đỉnh sóng Delta, nước Mỹ ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tính trung bình theo tuần là 169.602 ca/ ngày. Còn con số này ở thời điểm sóng Omicron lên tới 807.855 ca/ngày. Hệ quả là Omicron dù ít gây ra tình trạng bệnh nặng, nhưng số lây nhiễm cao đột biến đồng nghĩa với việc số phải nhập viện đã vượt so với mức đỉnh của sóng Delta, với 198.455 ca/tuần, so với mức 128.176 ca/tuần hồi tháng 6.