Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ. Bà Bahous đề cập tới việc Taliban đã ban hành hơn 50 sắc lệnh, chỉ thị và hạn chế, qua đó kìm hãm cơ hội phát triển của phụ nữ và trẻ em gái mà theo bà, đây là sự phân biệt giới tính sâu sắc. Quan chức LHQ kêu gọi Taliban xem xét lại và cân nhắc những hậu quả mà chính sách trên gây ra đối với thực tại và tương lai của đất nước.
Bà Bahous cũng nhấn mạnh sự cống hiến kiên định của UN Women đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan. Theo bà, công việc của cơ quan này gắn liền với mối quan hệ nền tảng với phụ nữ. Bà kêu gọi hỗ trợ nhiều hơn cho phụ nữ Afghanistan, từ việc giúp họ có tiếng nói lớn hơn, đáp ứng nhu cầu của nhóm đối tượng dễ tổn thương này, đến tài trợ cho các dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ các doanh nghiệp của họ.
Cùng ngày, các quan chức và đối tác của LHQ đã nhất trí về sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và đầu tư vào các giải pháp dài hạn cho Afghanistan, trong bối cảnh những khó khăn kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sống tại quốc gia Tây Nam Á này.
Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 15/8, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết khoảng 28 triệu người Afghanistan đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Thông cáo nêu rõ: "Khó khăn kinh tế và những cú sốc liên tiếp đã làm giảm đáng kể sức mua, khiến nhiều người phụ thuộc vào hỗ trợ nhân đạo".
Phát biểu họp báo cùng ngày, ông William Spindler, phát ngôn viên của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), đã nêu bật những thách thức lớn đối với việc cung cấp viện trợ ở Afghanistan. Ông cho biết hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và LHQ đã bị ảnh hưởng vì các biện pháp hạn chế. Ông lưu ý rằng mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, UNHCR và các đối tác vẫn cam kết duy trì hoạt động viện trợ tại Afghanistan và nỗ lực giải quyết những thách thức, cũng như tiếp tục phục vụ những người có nhu cầu, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Về phần mình, người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris cho biết tổ chức này đặc biệt quan ngại về tình trạng khẩn cấp về y tế ở Afghanistan. Theo bà, có 9,5 triệu người ít cơ cơ hội hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản và 20% dân số đất nước đang mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần; 4 triệu người nghiện ma túy và các rối loạn liên quan; 875.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Bà cho biết các nhân viên của WHO vẫn đang hiện diện rộng khắp ở Afghanistan và phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế sở tại.
Tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng ngày khẳng định việc cải thiện những chính sách đối với phụ nữ là yếu tố quyết định nếu chính quyền Taliban ở Afghanistan muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước trên thế giới. Ngoại trưởng Mỹ cũng bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan, nhấn mạnh đây là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng đúng đắn.
Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương khoảng 70% dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại. Theo bà Bahous, gần 25% số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới. Trước năm 2021, phần lớn cơ sở kinh doanh do phụ nữ tạo lập là ngành nghề thủ công như mở xưởng làm bánh. Sau đó, nhiều người trong số họ đã lấn sang kinh doanh trong những lĩnh vực đặc quyền của nam giới như công nghệ thông tin, dịch vụ truyền thông, xuất khẩu, lữ hành và thậm chí xây dựng. Việc chính quyền hiện nay tại Afghanistan đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ trong việc tham gia kinh tế - xã hội có thể ảnh hưởng nặng nề đến khoảng 2 triệu phụ nữ.