Ngày 6/7, hội nghị của cái gọi là “Những người bạn của Xyri” tại Pari ra tuyên bố chung kêu gọi Liên hợp quốc sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Xyri thay đổi chế độ.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chủ trì buổi họp báo sau khi kết thúc hội nghị “Những người bạn của Xyri” tại thủ đô Pari ngày 6/7.Ảnh: AFP/ TTXVN |
Đây là hội nghị “Những người bạn của Xyri” lần thứ ba trong năm 2012, với sự tham dự của ngoại trưởng và đại diện hơn 100 quốc gia trên thế giới. Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã công kích Nga và Trung Quốc, rằng hai quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) này đang cản trở các nỗ lực tiến tới nền hòa bình tại Xyri.
Hội nghị ở Pari thúc giục Tổng thống Xyri Bashar al-Assad từ chức. Hội nghị cũng tìm kiếm một nghị quyết theo Chương 7 Hiến chương LHQ, vốn quy định về khả năng áp đặt lệnh trừng phạt và hành động quân sự. Tuy nhiên, tuyên bố của hội nghị nhấn mạnh rằng một hành động tức thì theo Điều 41 chỉ cho phép cuộc can thiệp phi quân sự. Tổng thống Pháp Francois Hollande thúc giục HĐBA LHQ phải có hành động cứng rắn với Đamát, trong khi phe đối lập Xyri kêu gọi thành lập hành lang nhân đạo và thiết lập vùng cấm bay tại nước này.
Tại hội nghị, các quốc gia phương Tây đòi ông Assad không được giữ một vị trí nào trong một chính phủ đoàn kết mới, trong khi phe đối lập Xyri lại bác bỏ những kết quả đạt được tại Hội nghị Nhóm Hành động về Xyri ở Geneva hôm 30/6, với sự tham gia của Nga và Trung Quốc, tố cáo đó là sự nhượng bộ Đamát dưới áp lực của Nga.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc hôm 5/7 quyết định không tham dự hội nghị tại Pari. Nga cáo buộc Phương Tây đang tìm cách xuyên tạc các thỏa thuận mà Nhóm Hành động về Xyri đạt được ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 30/6, đồng thời mong muốn những thỏa thuận này phải được thực thi nhanh chóng. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của Nga, và khẳng định rằng quyền quyết định tiến trình chuyển giao diễn ra như thế nào phải thuộc về người dân Xyri, chứ không cho phép ai đó quyết định số phận của họ.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 6/7 khẳng định, Mátxcơva không có ý định cho phép Tổng thống Assad tị nạn chính trị, và gọi những tin đồn như thế là trò đùa. Theo ông Lavrov, những tin đồn này là âm mưu tồi tệ nhằm đánh lạc hướng dư luận và hiểu sai về quan điểm của Nga.
Theo hãng AFP, vào thời điểm khai mạc hội nghị “Những người bạn của Xyri” tại Pari, thì Chuẩn tướng Xyri, Munaf Tlass - thành viên cấp cao của chế độ Đamát và là người bạn thiếu thời của ông Assad - đã đào tẩu. Đây là quan chức cấp cao nhất của quân đội Xyri rời bỏ chế độ của ông Assad cho đến thời điểm này.
Hồng Hạnh (Tổng hợp)