Các nước theo đuổi chiến lược tiêm vaccine COVID-19 mới cho trẻ em

Thậm chí khi các phụ huynh ở Mỹ chật vật quyết định tiêm vaccine COVID-19 cho con hay không, những ông bố, bà mẹ ở nơi khác đã được cấp lựa chọn mới: chỉ cho con tiêm 1 liều vaccine.

Chú thích ảnh
Một học sinh được tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech tại Lahore, Pakistan, ngày 30/9. Ảnh: AFP

Các quan chức tại Anh, Na Uy, Hong Kong (Trung Quốc) và những nơi khác đã khuyến cáo tiêm duy nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. 

Theo tờ New York Times, chiến lược này nhằm cung cấp một phần mức độ bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2, song lại giảm bớt tác dụng phụ tiềm ẩn gặp phải sau tiêm hai liều. Một số chuyên gia cũng lập luận rằng việc tiêm chủng cho trẻ em sẽ giúp cắt đứt các chuỗi lây truyền của virus. 

Ngày 6/10, Thụy Điển và Đan Mạch cũng gia nhập danh sách trên khi tuyên bố rằng các thanh, thiếu niên chỉ nên tiêm một liều vaccine Moderna. 

Giới chức y tế tại các nước này đang đặc biệt lo ngại trước việc ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy thanh thiếu niên và thanh niên bị bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine có thể phổ biến hơn người ta tưởng. 

Nguy cơ này vẫn còn rất nhỏ và thường thấy sau khi tiêm liều thứ hai của một loại vaccine mRNA. Nhưng các số liệu mới trên đã làm thay đổi phép tính lợi ích - rủi ro ở các quốc gia nơi ca nhiễm mới hầu hết thấp hơn so với Mỹ.

Nhóm cố vấn tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xem xét dữ liệu về bệnh viêm cơ tim vào tháng 6 và nhất trí bỏ phiếu khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, với lập luận rằng lợi ích nhiều hơn nguy cơ.

Nghiên cứu của CDC ước tính rằng cứ một triệu trẻ em trai từ 12 đến 17 tuổi ở Mỹ được tiêm chủng, có tối đa 70 trường hợp viêm cơ tim. Nhưng tiêm chủng sẽ ngăn ngừa được 5.700 ca mắc, 215 ca nhập viện và 2 ca tử vong. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ gặp các vấn đề về tim sau khi mắc COVID-19 cao hơn nhiều so với sau khi tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Một thiếu niên 17 tuổi được tiêm vaccine COVID-19 tại Los Angeles, Mỹ, ngày 7/8. Ảnh AFP

Viêm cơ tim là một trong những mối quan tâm khiến Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) yêu cầu các nhà sản xuất vaccine tăng số lượng trẻ em tham gia thử nghiệm lâm sàng. Vấn đề này  có thể sẽ trở thành tâm điểm của cuộc thảo luận căng thẳng vào tuần tới khi các cố vấn nhóm họp để xem xét các bằng chứng về việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Phân tích mới nhất được công bố hôm 6/10 trên Tạp chí Y học New England cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine ở Israel cao nhất ở nam giới từ 16 đến 29 tuổi. Khoảng 11 trong số 100.000 nam giới ở độ tuổi đó phát triển tình trạng này vài ngày sau khi được tiêm ngừa. Đây là tỷ lệ cao hơn so với hầu hết các ước tính trước đó. Nguy cơ này không đáng kể đối với nữ giới ở mọi lứa tuổi.

Trong số 54 ca được nêu trong nghiên cứu, 1 trường hợp bị nghiêm trong đến nỗi cần phải thở máy. Một bệnh nhân khác có tiền sử bệnh tim đã tử vong không rõ nguyên nhân ngay sau khi xuất viện.
Do vậy, giới chức y tế ở các nước khác có kế hoạch đánh giá lại chiến lược tiêm một liều vaccine cho trẻ em khi có thêm thông tin về mức độ an toàn. Và họ có thể chọn tiếp tục tiêm liều hai hay không. 

Giới chuyên gia cho biết tính cấp thiết của việc tiêm chủng đủ liều cho trẻ em cần được cân nhắc trong hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia. Ở Anh, tỷ lệ tiêm chủng cao ở những người lớn tuổi và có nguy cơ mắc bệnh đã giúp các bệnh viện hầu như không có bệnh nhân COVID-19 thể nặng.

Tiến sĩ Jeremy Brown, chuyên gia về các bệnh hô hấp tại Đại học College London và là thành viên của nhóm cố vấn vaccine của chính phủ Anh nói rằng khả năng bị mắc COVID-19 thể nặng ở một trẻ 12 – 15 tuổi khỏe mạnh là không đáng kể. Do vậy, cần phải đảm bảo rằng việc tiêm vaccine là an toàn. 

Tại Hong Kong, Giáo sư Benjamin Cowling - nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong – đánh giá nhu cầu tiêm hai liều cho trẻ vị thành niên tại đây thậm chí còn yếu hơn ở Anh. Kể từ đầu dịch đến nay, Hong Kong chỉ có 213 ca tử vong và hơn 12.000 ca mắc COVID-19. Số ca mắc mới hàng ngày ở đặc khu hành chính này chỉ dưới 10 người kể từ hồi tháng 4 đến nay. Vì vậy, nguy cơ viêm cơ tim, tuy hiếm gặp, nhưng lại vượt xa lợi ích của việc tiêm chủng đầy đủ cho thanh, thiếu niên.

Nhưng ở Mỹ, tình hình lại khác. Tiến sĩ Jeffrey Duchin - bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là thành viên trong nhóm cố vấn của CDC - cho hay có gần 2.000 người Mỹ tử vong vì COVID-19 mỗi ngày còn hệ thống bệnh viện tại nhiều nơi vẫn quá tải. 

Gần 900.000 trẻ em Mỹ phải nhập viện vì COVID-19 và khoảng 520 em đã tử vong. Một số còn phát triển hội chứng COVID-19 kéo dài, với những triệu chứng của bệnh tồn tại suốt nhiều tháng. Trên 4.000 trẻ được chẩn đoán mắc một tình trạng nguy hiểm được gọi là hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em.
Tiến sĩ Duchin nói: “Tất cả các dữ liệu mà chúng tôi có cho đến nay đều cho thấy bản thân căn bệnh này tồi tệ hơn so với tác dụng phụ của vaccine”. Theo ông, dựa trên tình hình thực tế tại Mỹ, nguy cơ viêm cơ tim rất nhỏ so với hệ quả mắc COVID-19, và việc tiêm hai liều vaccine cho trẻ em là cần thiết.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Trung Quốc cấm quảng bá ăn trầu cau vì nguy cơ gây ung thư miệng
Trung Quốc cấm quảng bá ăn trầu cau vì nguy cơ gây ung thư miệng

Nổi tiếng với thứ nước màu đỏ au cùng cảm giác kích thích đọng lại trong miệng người nhai, trầu cau được ví như “món ăn vặt” lâu năm phổ biến khắp châu Á. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN