Ngày 13/3, Quốc hội Bulgaria đã nhất trí ban bố tình trạng khẩn cấp cho tới ngày 13/4 sau khi số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 23 người.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép kích hoạt các lệnh cấm đi lại đến và đi từ các nước có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 cao, đóng cửa các trường học và đại học, cho phép cảnh sát can thiệp khi việc cách ly không được tuân thủ. Chính phủ cũng có kế hoạch xem xét lại ngân sách quốc gia 2020 nhằm tăng khoản tiền giải ngân cho hệ thống chăm sóc y tế.
Trước đó, Bulgaria đã giới hạn số người tham gia các buổi tụ họp trong nhà không quá 250 người nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp áp dụng giờ làm việc linh hoạt và cho phép các nhân viên làm việc từ xa nếu có thể.
Trong khi đó, Ngoại trưởng CH Séc Tomas Petricek cùng ngày thông báo chính phủ nước này sẽ yêu cầu những người trở về từ các quốc gia có nguy cơ cao phải tự cách ly. Danh sách này bao gồm 15 quốc gia có nguy cơ cao, trong đó có các nước láng giềng là Đức và Áo.
Cùng ngày, chính quyền tại thủ đô Berlin và một số bang ở Đức đã ra quyết định cho phép đóng cửa các trường học và nhà trẻ cũng như thực hiện một số biện pháp cần thiết trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh của dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong một tuyên bố, Thị trưởng Berlin Michael Müller cho biết chính quyền thành phố cũng thông báo kế hoạch đóng cửa các trường học và nhà trẻ tại thủ đô Berlin kể từ tuần tới, bắt đầu từ ngày 16/3 cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ Lễ Phục sinh. Chính quyền thành phố sẽ có biện pháp nhằm hạn chế giao thông công cộng xuống mức tối thiểu và cấm tổ chức các sự kiện lớn có số người tham gia trên 1.000 người từ nay cho đến khi kết thúc kỳ nghỉ Lễ Phục sinh. Hiện nhiều trung tâm văn hóa, bảo tàng và một số địa điểm tham quan tại thủ đô Berlin cũng được yêu cầu đóng cửa.
Cùng với Berlin, chính quyền các bang Bayern, Saarland và Niedersachsen cũng ra quyết định cho phép đóng cửa tất cả trường học và nhà trẻ nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3 và được áp dụng cho đến khi kỳ nghỉ Lễ Phục sinh kết thúc. Trong khi đó, chính quyền tại bang Baden-Württemberg và Nordrhein-Westfalen cũng đang cân nhắc xem xét việc đưa ra các quyết định tương tự.
Tính đến 11h ngày 13/3 (theo giờ địa phương), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn nước Đức đã lên tới 3.000 người và 6 ca tử vong, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen có trên 1.264 người nhiễm và 4 ca tử vong. Trong khi đó, tại thủ đô Berlin cũng ghi nhận có 158 ca nhiễm.
Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran thông báo tất cả các trường học sẽ đóng cửa "ít nhất" trong 2 tuần tới như một biện pháp nhằm kìm hãm đà lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer cho biết việc đóng cửa trường học sẽ kéo dài ít nhất tới kỳ nghỉ Lễ Phục sinh kéo dài 2 tuần - bắt đầu vào ngày 4/4 tới tại Paris - song các kỳ thi cuối năm học vẫn diễn ra theo kế hoạch. Hiện Pháp đã ghi nhận 2.876 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 61 ca tử vong.
Tương tự, Luxembourg cũng yêu cầu đóng cửa tất cả các trường học và hạn chế việc thăm người cao tuổi tại các bệnh viện và nhà dưỡng lão với hy vọng hạn chế dịch bệnh lây lan. Cho tới nay, quốc gia này đã ghi nhận 26 ca mắc COVID-19, trong đó có một cụ ông 94 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch.
Tại Estonia, nơi ghi nhận 41 ca nhiễm, chính phủ nước này cũng đã quyết định đóng cửa các trường học và cấm việc tụ tập nơi công cộng cho tới ngày 1/5. Chính phủ cũng đang xúc tiến việc hỗ trợ tài chính cho các công ty trong các lĩnh vực như du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.
Thủ tướng Solvakia cùng ngày cũng thông báo triển khai các biện pháp phòng chống dịch như đóng cửa tất cả các trường học trong 14 ngày, đóng cửa các sân bay quốc tế, các trung tâm giải trí, khu thể thao như bể bơi và khu trượt tuyết.
Cùng ngày 13/3, Thủ tướng Séc Andrej Babis cho biết chính phủ nước này đã áp đặt lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh vào nước này và người Séc đi sang nước ngoài kể từ ngày 16/3 tới, trong bối cảnh Praha nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại buổi họp báo được ghi hình sau kỳ họp bất thường của chính phủ, ông Babis nói: "Chúng tôi ban hành một lệnh cấm nhập cảnh đối với mọi người nước ngoài từ nửa đêm 15/3, ngoại trừ những người có giấy phép cư trú hoặc lưu trú ngắn hạn hơn 90 ngày".
Tại Nga, ngày 13/3, Điện Kremlin đã yêu cầu các phóng viên đưa tin về Tổng thống Vladimir Putin tránh lui tới các sự kiện chính thức nếu có vấn đề sức khỏe như một biện pháp phòng ngừa trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Yêu cầu này được đưa ra một ngày sau khi Hạ viện Nga cho biết đang tiến hành khử trùng do một nghị sĩ không tuân thủ việc cách ly đã tới dự các phiên họp, trong đó có một buổi họp có Tổng thống Putin phát biểu. Tới nay, Nga đã ghi nhận 34 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng chưa có ca tử vong.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Ukraine cùng ngày đã quyết định cấm các công dân đăng ký thường trú tại vùng lãnh thổ do phe ly khai chiếm đóng ở vùng Donbass ở miền Đông tiến vào những khu vực do chính phủ kiểm soát. Chính quyền Kiev cũng đang xúc tiến đóng cửa các cửa khẩu biên giới với các quốc gia giáp với Liên minh châu Âu (EU) ở phía Tây, song vẫn chưa khẳng định rõ số lượng cũng như thời gian các trạm này sẽ bị đóng cửa. Quyết định của chính phủ vẫn cần sự chấp thuận cuối cùng từ Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine, dự kiến sẽ họp trong cùng ngày dưới sự chủ trì của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.