Thỏa thuận mang tính bước ngoặt sẽ giúp các nước có thể chuẩn bị, phòng ngừa và ứng phó với đại dịch một cách kỹ lưỡng hơn trong tương lai, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh trong vài tháng gần đây, trong đó có bệnh đậu mùa khỉ, bệnh do virus Marburg gây tử vong hay sự lây lan của cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên cho rằng vẫn còn tồn đọng quá nhiều vấn đề để có thể hoàn tất thỏa thuận trong năm nay, đặc biệt là lợi ích của các quốc gia phương Tây - nơi có ngành dược phẩm phát triển mạnh, trong khi các quốc gia nghèo hơn lo ngại bị bỏ lại trong cuộc ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Cụ thể, các quốc gia thành viên vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận về việc chia sẻ công bằng các nguồn lực liên quan đến đại dịch như cách tiếp cận các yếu tố gây bệnh, vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị. Ngoài ra, vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến giám sát, các biện pháp phòng ngừa và chuyển giao công nghệ cho các quốc gia kém phát triển hơn.
Tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới vào tháng 6, các quốc gia thành viên đã tự đặt thời hạn đạt được và thông qua thỏa thuận vào tháng 5/2025 và nếu có thể hoàn thành vào cuối năm nay. Để có thể hoàn tất thỏa thuận ngay trong năm nay, các nước thành viên của WHO phải tổ chức phiên họp đặc biệt vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, các nhà đàm phán thừa nhận vẫn chưa sẵn sàng cho điều này. Thay vào đó, các nước sẽ có thêm 1 tuần đàm phán và sẽ phải đưa ra quyết định vào ngày 6/12 tới về việc liệu có thể đạt được thỏa thuận trước tháng 5/2025 hay không.