Các nhà sản xuất vaccine Nga 'nín thở' theo dõi diễn biến xung đột Ukraine

Một công ty dược phẩm Hàn Quốc sản xuất vaccine Sputnik V của Nga cho biết họ có thể gặp khó khăn trong tương lai giữa bối cảnh Mỹ và phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Moskva.

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, mới đây, Mỹ đã liệt Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) – đơn vị hỗ trợ phát triển và phân phối vaccine Sputnik V – vào danh sách trừng phạt.

Ông Kim Gi-young, nhà quản lý tại công ty dược phẩm GL Rapha (Seoul, Hàn Quốc), cho biết mặc dù các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất vaccine do không nhắm thẳng mục tiêu đối với các mặt hàng y tế song công ty vẫn lo ngại về những vấn đề tiềm ẩn liên quan đến lĩnh vực tài chính có thể xảy ra. Trước đó, Hàn Quốc đã theo chân Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu quyết định loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT.

“Hiện chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến của tình hình”, quản lý Kim giải thích.

Tính đến thời điểm hiện tại, GL Rapha đã sản xuất được 5 triệu liều vaccine Sputnik Light, song chưa có bất kỳ liều nào được sử dụng vì phía Nga liên tục trì hoãn kế hoạch phân phối. Theo hợp đồng, GL Rapha thỏa thuận với RDIF sản xuất 150 triệu liều vaccine Sputnik V.

Ngoài các công ty ở Hàn Quốc, các nhà sản xuất Sputnik V tại Ấn Độ cũng cho biết đang dõi theo diễn biến tại Ukraine.

Trong một email trả lời, đại diện của Dr. Reddy chịu trách nhiệm phân phối Sputnik V tại Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi có đủ năng lực sản xuất tại Ấn Độ. Chính vì thế mà không có ảnh hưởng. Nhìn chung, chúng tôi đang theo dõi sát sao các diễn biến và có những động thái chuẩn bị cho phù hợp”.

Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine Sputnik-V lớn thứ hai sau Nga và cũng là thị trường lớn nhất của loại vaccine này. Đối tác sản xuất Sputnik-V tại Ấn Độ của RDIF bao gồm Viện Huyết thanh Ấn Độ, Gland Pharma, Hetero Biopharma... Mỗi năm, các công ty Ấn Độ cam kết sản xuất ít nhất 1.152 triệu liều Sputnik V.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Mỹ vẫn mua dầu của Nga giữa căng thẳng Ukraine?
Mỹ vẫn mua dầu của Nga giữa căng thẳng Ukraine?

Mặc dù là nhà sản xuất toàn cầu hàng đầu, Mỹ vẫn cần nhập khẩu dầu thô của Nga để phục vụ các thị trường ven biển và để duy trì các nhà máy lọc dầu hoạt động ở mức tối ưu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN