Tờ Daily Mail (Anh) dẫn tuyên bố của các nhà khoa học đánh giá thí nghiệm này có thể tác động đến “sinh học sinh sản”.
Đội ngũ tại Đại học y Hải quân Trung Quốc đã mổ ghép một chuột đực và cái vào nhau qua da và cùng chia sẻ mạch máu. Sau đó họ ghép tử cung vào chuột đực và cấy phôi thai vào cả hai con chuột.
Các nhà khoa học đã nối tổng cộng 46 cặp chuột và cấy 563 phôi vào con cái cùng 280 phôi vào con đực. Kết quả có 27 phôi phát triển bình thường trong cơ thể chuột đực và 169 phôi phát triển trong cơ thể chuột cái.
Phôi thai này tăng trưởng trong 21,5 ngày. Qua quá trình mổ, trong 27 phôi bình thường trong cơ thể chuột đực, có 10 phôi phát triển thành chuột con. Những con chuột con này sau đó phát triển và có khả năng sinh sản, không mắc bệnh về phổi, gan hoặc tim.
Các nhà khoa học cho biết họ lấy cảm hứng thực hiện thí nghiệm từ trường hợp những con cá ngựa đực sinh con.
Họ đã thí nghiệm ghép phôi chuột vào những bộ phận khác của cơ thể chuột đực nhưng không thành công. Do vậy họ đã ghép chuột đực và chuột cái tạo thành một thực thể.
Tuy nhiên, nhà cố vấn khoa học của Tổ chức “Đấu tranh vì sự đối xử có đạo đức với động vật” (PETA)-bà Emily McIvor gọi thí nghiệm này là “không đạo đức”.
Bà McIvor đánh giá: “Việc phẫu thuật ghép hai con chuột nhạy cảm, khiến chúng phải chịu đựng nhiều tuần dài, là không đúng với đạo lý. Loài chuột có hệ thần kinh giống con người, chúng cũng cảm thấy đau đớn, sợ hãi, cô đơn và cả sự vui vẻ”.