Trưởng nhóm nghiên cứu Andres Marcoleta cho biết, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Chile đã thu thập mẫu gene từ nhiều điểm khác nhau ở bán đảo Nam Cực trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2019 và phát hiện ra rằng Bán đảo Nam Cực, một trong những vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi băng tan, là nơi sinh sống của rất nhiều loại vi khuẩn và một số trong đó tạo thành một nguồn tiềm năng của các gene lâu đời có khả năng kháng thuốc kháng sinh.
Các "siêu năng lực" được phát triển trong quá trình tiến hóa để chống lại các điều kiện khắc nghiệt được chứa trong các đoạn nhiễm sắc thể DNA di động, cho phép chúng dễ dàng chuyển sang các vi khuẩn khác. Trong một viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra, những gene này có thể rời khỏi vùng đất băng giá này và thúc đẩy sự xuất hiện và lây lan các bệnh truyền nhiễm. Các nhà khoa học cũng khẳng định "gene kháng thuốc" sẽ không thể bị triệt tiêu thông qua các chất khử thông thường như đồng, clo hoặc hợp chất amoni bậc 4 lấn át.
Nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn pseudomonas ở Nam Cực - một trong những nhóm chiếm ưu thế - không gây bệnh, nhưng có thể hoạt động như một nguồn gene kháng thuốc, trong khi các vi khuẩn polaromonas cũng có tiềm năng vô hiệu hóa các kháng sinh gốc loại beta-lactam, vốn rất cần thiết. để điều trị các bệnh nhiễm trùng khác nhau.
Các nhà khoa học cho rằng nghiên cứu này sẽ cho phép dự đoán những rủi ro sức khỏe trong tương lai. Theo chuyên gia Marcoleta, sau sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, rõ ràng là vi sinh vật, đặc biệt là những mầm bệnh, có thể gây ra các tác động trên phạm vi toàn cầu. Chính vì vậy, nghiên cứu trên sẽ giúp giới khoa học tìm hiểu xem liệu biến đổi khí hậu có thể có tác động đến sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm hay không.