Chứng khoán Mỹ và châu Âu phiên giao dịch ngày 30/11 đã tăng giá mạnh, trong khi đồng USD xuống giá, giá vàng và hàng hóa tăng sau khi các ngân hàng trung ương toàn cầu đồng loạt cam kết tăng thanh khoản cho các thị trường tài chính hiện đang chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu.
Tại thị trường New York, vào lúc 22 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 30/11, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ là Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng mạnh lần lượt là: 3,33%, 3,19% và 3,07%. Cùng thời điểm trên, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng mạnh, trong đó, Euro Stoxx 50 (gồm 500 cổ phiếu hàng đầu châu Âu) tăng 4,45%; chỉ số FTSE 100 (Anh) tăng 3,48%; chỉ số CAC 40 (Pháp) tăng 4,28% và chỉ số DAX (Đức) tăng 4,85%.
Thị trường hàng hóa cũng tăng giá mạnh sau quyết định của các ngân hàng trung ương toàn cầu. Lúc 22 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 30/11, giá vàng giao ngay tại thị trường New York (Mỹ) đã tăng 30,4 USD, lên 1.749,3 USD/ounce. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 tại thị trường New York đã tăng 1,59 USD (1,59%) lên 101,45 USD/thùng và giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 0,55 USD lên 111,37 USD/thùng.
Ngày 30/11, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của Anh, Canađa, Nhật Bản và Thụy Sỹ đã đồng loạt từ ngày 5/12 tới sẽ cắt giảm 50% lãi suất hoán đổi đồng USD xuống còn 50 điểm cơ bản, đồng thời tiến hành các biện pháp tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi đó, lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại nhằm giúp giảm căng thẳng tín dụng của nền kinh tế Trung Quốc. Tất cả các biện pháp này đã khuyến khích các nhà đầu tư tìm đến các loại tài sản rủi ro như chứng khoán và các loại hàng hóa cơ bản như dầu mỏ, vàng.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích thị trường Michael Hewson thuộc Công ty CMC Market ở Anh nhận định: “Động thái của các ngân hàng trung ương toàn cầu cho thấy họ đang sẵn sàng làm những gì cần thiết để ngăn chặn nguy cơ đóng băng trên các thị trường vốn. Nhưng về cơ bản, tất cả những gì họ làm chỉ là hình thức bơm thêm tiền chứ chưa giúp giải quyết tận gốc các vấn đề của kinh tế toàn cầu”.
Quang Tuyến