Các ngân hàng Tây Ban Nha liên tục bị tụt hạng

Các nguồn tin từ Madrid cho hay, hai vấn đề lớn mà kinh tế Tây Ban Nha đang phải đối mặt là những khoản nợ xấu lến tới hàng tỷ euro của các ngân hàng và chi tiêu quá mức của chính quyền địa phương. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ bậc xếp hạng của 16 ngân hàng Tây Ban Nha từ 1 đến 3 bậc, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong nước cũng như việc Chính phủ Tây Ban Nha bị đánh tụt xếp hạng.


 

Nhân viên ngành y tế Tây Ban Nha biểu tình phản đối cắt giảm ngân sách. 4/2012. Ảnh: Internet. 


 

Cụ thể ngân hàng hàng đầu Tây Ban Nha Santander và ngân hàng lớn thứ hai nước này BBVA cùng bị tụt ba bậc xếp hạng, từ Aa3 xuống A3, mức trên trung bình với độ rủi ro vẫn thấp. Hai ngân hàng khác cũng bị hạ mức tín nhiệm xuống A3 là Banesto và CaixaBank. Ngân hàng lớn thứ tư Tây Ban Nha và vừa được chính phủ cứu vào ngày 9/5 là Bankia không có tên trong số 16 ngân hàng trên.

Những căn cứ chính cho quyết định của Moody's là kinh tế Tây Ban Nha rơi vào suy thoái, thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi và tình trạng thất nghiệp cao kéo dài. Ngoài ra, một lý do khác khiến Moody's có quyết định như vậy là mức độ tín nhiệm của Chính phủ Tây Ban Nha bị hạ, ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng cũng như khả năng hỗ trợ các ngân hàng của chính phủ nước này.

Moody's nhận thấy những yếu tố tích cực như sự gia tăng mức vốn của các ngân hàng, sự hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng như từ Chính phủ Tây Ban Nha đã giúp hạn chế mức độ tụt hạng của các ngân hàng. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực này có thể bị những thách thức đang gia tăng đối với giá trị tài sản lấn át, từ đó làm giảm lợi nhuận và xói mòn nguồn vốn của các ngân hàng.

Niềm tin đối với các ngân hàng Tây Ban Nha cũng như nền kinh tế nước này cũng bị ảnh hưởng mạnh sau khi có nguồn tin cho biết các khách hàng đang ồ ạt rút tiền ra khỏi ngân hàng Bankia. Theo nguồn tin này, lượng tiền gửi bị rút ra khỏi ngân hàng Bankia kể từ khi Chính phủ Tây Ban Nha thông báo việc quốc hữu hóa ngân hàng này là hơn 1 tỷ euro (1,27 tỷ USD), bằng với lượng tiền bị rút trong cả quý I/2012.

Các nhà đầu tư lo ngại việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro có thể khiến lĩnh vực ngân hàng của Tây Ban Nha mất ổn định hơn nữa. Khi đó, các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ khó có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe hơn về vốn và chính phủ sẽ cần tới một gói cứu trợ để có thể cứu nguy cho các ngân hàng. Nước này đang có nhiều nỗ lực để hạ thâm hụt ngân sách từ 8,5% GDP năm 2011 xuống 3% GDP năm 2013, trong lúc kinh tế suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 24,4%.

Cũng trong ngày 17/5, Moody's đã hạ bậc tín nhiệm của 4 chính quyền khu vực của Tây Ban Nha, khi cho rằng các khu vực này sẽ không đạt được các mục tiêu về giảm thâm hụt ngân sách năm 2012. Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua các kế hoạch của 17/18 chính quyền khu vực nhằm tiết kiệm chi tiêu 18 tỷ euro trong năm nay. Chính phủ nước này đang yêu cầu các khu vực hạ thâm hụt ngân sách từ 2,94% GDP trong năm ngoái xuống 1,5% GDP trong năm nay.

Lê Minh (Theo AFP, AP)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN