Các chuyên gia nhận định với các quy định và biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt của Canada dành cho khách hàng của ngân hàng, điều đó khó có thể xảy ra tại nước này.
Trong những tuần gần đây, sự thất bại liên tiếp của các tổ chức tài chính tiền tệ của Mỹ như ngân hàng Silicon Valley Bank và ngân hàng Signature Bank, tiếp theo là Credit Suisse ở châu Âu, có thể khiến một số người Canada lo ngại về tình huống tương tự.
Duane Francis, nhà quản lý danh mục đầu tư và cố vấn tài chính cấp cao của công ty Capital Wealth Partners và Mandeville Private Client Inc, cho biết: “Canada rất khác so với Mỹ. Chúng tôi có các quy định và có bảo hiểm. Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Canada (FDIC) được thành lập vào năm 1967 và họ đã thành lập cơ quan đó để bảo vệ người Canada. Ngoài ra còn có Quỹ bảo vệ nhà đầu tư Canada có sự bảo vệ cao hơn CDIC, lên tới 1 triệu CAD (729.345 USD) cho các khoản đầu tư chung. Cộng với kế hoạch tiết kiệm hưu trí đã đăng ký, quỹ đầu tư hưu trí, những loại đầu tư đó cũng được bảo vệ lên tới 1 triệu CAD... vì vậy bạn có thể được bảo vệ lên tới 3 triệu CAD trong trường hợp công ty thành viên mất khả năng thanh toán hoặc phá sản”. Kể từ năm 2001 đến 2023, có 562 tổ chức ở Mỹ không bao gồm SVB hoặc bất kỳ ngân hàng nào khác trong số này đã phá sản. Ở Canada trong cùng khoảng thời gian trên, không có ngân hàng nào phá sản.
Khách hàng của ngân hàng được bảo hiểm lên tới 100.000 CAD cho mỗi tổ chức đối với tài khoản tiền mặt, tiền gửi có kỳ hạn và chứng chỉ đầu tư được bảo đảm. Điều này cũng áp dụng cho các tài khoản khác trong các tổ chức như kế hoạch tiết kiệm hưu trí (RSP), tài khoản tiết kiệm miễn thuế (TFSA) và kế hoạch tiết kiệm cho giáo dục.
Lần sụp đổ ngân hàng lớn gần đây nhất của Canada là vào năm 1923, khi Ngân hàng Home Canada phá sản. Sự sụp đổ này đã làm cho khoảng 60.000 người mất tiền tiết kiệm cả đời, trở thành một bước ngoặt đối với chính phủ. Theo đó, Chính phủ Canada đã ban hành các chính sách liên bang nghiêm ngặt vẫn được áp dụng một thế kỷ sau đó.