Bà Warren đã gửi thư tới các tổng thanh tra của Bộ Tài chính, Công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) và Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), kêu gọi các nhà quản lý đánh giá việc quản lý và giám sát các ngân hàng trên trước khi chúng sụp đổ. Bà đồng thời yêu cầu cung cấp kết quả điều tra sơ bộ trong vòng 30 ngày.
Bức thư của Thượng nghị sĩ Warren có đoạn viết: "Các giám đốc điều hành của ngân hàng - những người chấp nhận rủi ro không cần thiết hoặc không thể ngăn chặn các mối đe dọa hoàn toàn có thể thấy trước - phải bị quy trách nhiệm về những vụ sụp đổ này. Nhưng sự quản lý yếu kém này cũng đã xảy ra vì một loạt thất bại của các nhà lập pháp và cơ quan quản lý".
Chỉ trong vòng ba ngày (từ ngày 10/3), hai ngân hàng lớn nói trên của Mỹ đã lần lượt sụp đổ và tuyên bố ngừng hoạt động. Đặc biệt, việc một “đế chế” như SVB phá sản đã phủ bóng mây u ám lên thị trường tài chính của nền kinh tế số một thế giới.
Được thành lập vào năm 1983, SVB là ngân hàng thương mại lớn thứ 16 của Mỹ và suốt thời gian dài là điểm tựa tài chính vững chắc cho khoảng 50% tổng số công ty khoa học công nghệ và khởi nghiệp tại nước này. Quy mô hoạt động của SVB vươn tới cả Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ireland, Israel, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Nếu như SVB là ngân hàng lớn đối với các công ty công nghệ và khởi nghiệp, thì Signature Bank nổi tiếng là một trong những ngân hàng uy tín nhất của Mỹ và thế giới hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử. Do đó, việc hai ngân hàng hàng đầu này tuyên bố phá sản chỉ trong vỏn vẹn có vài ngày đã gây ra một cơn địa chấn thực sự đối với thị trường tài chính-ngân hàng Mỹ. Đây cũng là vụ đổ vỡ lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ giai đoạn suy thoái 2008-2009.