Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút hơn 25 chuyên gia, học giả từ Ukraine, Mỹ, Anh, Hy Lạp, Panama và một số quốc gia khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, tại hội thảo, các báo cáo khẳng định Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế đặc biệt quan trọng. Mỗi năm có hơn 25% khối lượng hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua tuyến đường này, do đó, cần tìm kiếm các cơ chế để đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải quốc tế ở khu vực.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ, luật sư quốc tế Gennady Dubov nhấn mạnh UNCLOS 1982 có giá trị ràng buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên. Theo ông, lập trường của Việt Nam trong vấn đề này mang tính xây dựng, góp phần duy trì hòa bình và phát triển ở Biển Đông xuất phát từ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Nhà khoa học chính trị quốc tế Vladimir Volya cho rằng về mặt lý thuyết, một giải pháp pháp lý quốc tế cho vấn đề Biển Đông là có thể thực hiện được. Hiện nay đã có Nhóm công tác chung về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và Nhóm bạn bè của UNCLOS 1982. Học giả Ukraine hy vọng các nước sớm thông qua COC, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên.
Đồng quan điểm về vấn đề này, Giám đốc Viện Chuyển đổi toàn cầu Alexei Semeniy lưu ý rằng các bên tranh chấp ở Biển Đông cần tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, phán quyết của PCA và các văn kiện pháp lý khác.
Trong khi đó, Tiến sỹ Euclides Tapia, Giáo sư Đại học tổng hợp Panama, chỉ trích tham vọng của Trung Quốc “muốn biến Biển Đông thành vùng biển nội địa”, hạn chế tự do hàng hải trong một khu vực rộng tới 1700 km2.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Ukraine một lần nữa khẳng định sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông cũng như giá trị phán quyết của PCA năm 2016.