Trên thực tế, nhiều quốc gia châu Âu trong những tuần gần đây đều đã ghi nhận tình trạng số ca mắc mới trong ngày tăng mạnh, trong đó có nước ghi nhận các mức cao hơn thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất như Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Đức, Hà Lan, Bỉ và CH Séc.
Ngày 20/10, giới chức Pháp thông báo ghi nhận 20.468 ca mắc mới chỉ trong 24 giờ qua trong khi số ca tử vong cũng tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5 tới nay. Tính từ thời điểm dịch bùng phát tại Pháp tới nay, nước này đã ghi nhận 930.745 ca mắc bệnh, cao thứ 8 trên thế giới. Hiện giới chức Pháp vẫn đang theo dõi khoảng 1.829 ổ dịch, trong đó có 148 ổ dịch mới phát hiện chỉ trong các ngày 19 - 20/10.
Số ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua tại Pháp cũng lên tới 262 ca, cao nhất kể từ ngày 17/5, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên là 33.885 ca. Số bệnh nhân COVID-19 nhập viện cũng tăng thêm 797 người lên tổng cộng 12.458 người trong khi số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt cũng tăng thêm 78 người lên tổng cộng 2.177 người. Cả hai chỉ số trên đều đã diễn biến theo xu hướng tăng dần trong những tuần qua.
Pháp đã áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm từ ngày 17/10 với 9 đô thị lớn có gần 20 triệu dân. Trước đó, những khu vực này cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế như đóng cửa các quán bar, bể bơi và phòng tập thể hình. Các tụ điểm giải trí như rạp xiếc, câu lạc bộ khiêu vũ, các triển lãm thương mại đều bị cấm trong khi tất cả các địa điểm ngoài trời như sân vận động vẫn được mở cửa với số lượng khán giả hạn chế ở mức 1.000 người.
Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 13.873 ca mắc và 218 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 988.322 và 34.210 ca. Bộ Y tế nước này đang cân nhắc đề nghị chính phủ áp đặt biện pháp giới nghiêm giống như ở Pháp.
Theo đó, lệnh giới nghiêm có thể sẽ được triển khai trên toàn quốc hoặc theo từng khu vực, phối hợp với các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp này, trước hết, chính quyền trung ương tại Madrid sẽ cần phải áp đặt lệnh tình trạng báo động (State of Alarm) và động thái này cần được quốc hội thông qua.
Dù không lên tới mức hàng chục nghìn ca mỗi ngày nhưng ngày 20/10, Hy Lạp cũng ghi nhận kỷ lục mới với 667 ca mắc bệnh được phát hiện trong 24 giờ qua. Kể từ khi dịch bệnh xuất hiện hồi cuối tháng 2, tới nay, quốc gia này ghi nhận tổng cộng 26.469 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 528 ca tử vong.
Hy Lạp đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát từ tháng 8. Từ đó tới nay, dịch lây lan nhanh khiến giới chức và các chuyên gia thường xuyên khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe. Chính phủ Hy Lạp cũng khẳng định việc áp dụng trở lại biện pháp phong tỏa toàn quốc là lựa chọn cuối cùng. Những tuần gần đây, các biện pháp hạn chế được áp dụng theo từng khu vực.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến tối 20/10, châu Âu ghi nhận 8,16 triệu ca bệnh, trong đó có 938.800 ca mắc mới trong tuần từ 12 - 18/10, cao nhất trong số 6 khu vực theo phân chia của WHO.