Tờ Guardian (Anh) cho biết Twitter bị cấm tại Trung Quốc nhưng những nhà ngoại giao nước này lại đang có xu hướng sử dụng Twitter để đối đầu công khai với ý kiến chỉ trích Bắc Kinh. Theo truyền thống, các đại sứ Trung Quốc thường không nói nhiều trong những tình huống như vậy.
Gần đây, Phó đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Zhao Lijian đã đăng lên Twitter hàng loạt vấn đề xã hội tại Mỹ. Ông Zhao Lijian viết: “Nếu ở Washington, D.C., bạn có thể biết rằng người da trắng không bao giờ đi đến khu vực Tây Nam bởi đó là nơi của người da màu và Mỹ Latinh. Có câu nói 'đen vào trắng ra'. Phân biệt chủng tộc tại Mỹ đã tồn tại từ thời thuộc địa. Sự phân tầng sắc tộc vẫn diễn ra trong lĩnh vực nghề nghiệp, giáo dục, nhà ở, cho vay và chính phủ”.
Bài đăng của Phó đại sứ Zhao Lijian đã khiến cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice bất bình, gọi nhà ngoại giao này là “phân biệt chủng tộc” và không bao giờ nên trở về Trung Quốc.
Phó đại sứ Zhao Lijian sau đó viết trên Twitter nói rằng điều kiện sống của người Mỹ gốc Phi là “đáng lo ngại”. Ông cũng đề cập đến vấn nạn xả súng trong trường học ở Mỹ. Nhà ngoại giao này viết: “Sự thật đau lòng. Nhưng tôi đơn giản chỉ nói lên sự thật”.
Phó đại sứ Zhao Lijian là một trong số ngày càng nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc đang truyền tải trực tiếp thông điệp đến người dân các nước qua mạng xã hội.
Kể từ năm 2014, tất cả các đại sứ quán Trung Quốc đều có trang Facebook chính thức cho dù Trung Quốc đã cấm Facebook từ năm 2009. Tuy nhiên, khác với các tài khoản Facebook chủ yếu được sử dụng để quảng bá văn hóa Trung Quốc và đăng hoạt động hợp tác ngoại giao thì tài khoản Twitter của các đại sứ Trung Quốc lại mang tiếng nói cá nhân.
Gần đây, Đại sứ Trung Quốc tại Maldives Zhang Lizhong còn nhắm đến cựu Tổng thống nước này là ông Mohamed Nasheed – nay giữ chức Chủ tịch Quốc hội.
Vào đầu tháng 7, ông Nasheed cho rằng số nợ Trung Quốc của Maldives đã đạt đến mức độ “gây báo động”. Ông Nasheed còn chỉ trích các dự án của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang áp dụng “ngoại giao bẫy nợ”.
Đại sứ Zhang Lizhong sau đó đăng trên mạng xã hội: “Điều tôi không thể chấp nhận là những thông tin sai lệch chưa được kiểm chứng đến với công chúng, có thể gây hại đến mối quan hệ hai quốc gia”.
Một trường hợp đặc biệt khác là ông Hu Xijin làm việc cho tờ Global Times. Ông đã lập tài khoản Twitter từ năm 2014, thường đăng bằng tiếng Anh và chỉ trích các bài viết phê phán Trung Quốc.
Chuyên gia Alessandra Cappelletti tại Đại học Xi’an Jiaotong-Liverpool (Trung Quốc) đánh giá: “Đây là một chiến thuật giao mới của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Họ sử dụng công cụ này để tăng tính hiệu quả và cải thiện phương pháp để tiếp cận số lượng người đọc càng nhiều càng tốt”.
Bà Cappelletti nói: “Mục đích là khiến Trung Quốc trở nên quen thuộc hơn với người dân các nước, thân thiện hơn, dễ gần và trực tiếp. Khi một cá nhân lên tiếng, người ta dễ dàng tin tưởng hơn”.
Bà Cappelletti đánh giá: “Đây là chiến thắng cho họ. Đó là một trò chơi họ bắt đầu vì vậy họ đã tính toán và sẵn sàng đối mặt”.